Ngoài 70 tuổi, nhưng bà Lê Thị Việt Nữ - thương binh hạng 4/4 vẫn gắn bó với nhiều công việc ở phường 7 (TP Tuy Hòa). Với bà, làm được việc có ích cho xã hội dù nhỏ vẫn là hạnh phúc.
Nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung
Bà Lê Thị Việt Nữ sinh năm 1950, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã An Định (huyện Tuy An). Bà Nữ thuộc thế hệ những người trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi 10 tuổi, cô bé Nữ đã được tổ chức tin tưởng phân công làm liên lạc bí mật với nhiệm vụ nắm tình hình địch, báo cho các chú, các bác nằm vùng ở cơ sở.
Bà Nữ kể lại: Hồi đó, tôi còn quá nhỏ. Khi được các cô chú giao việc, tôi cố gắng nghe thật kỹ những lời căn dặn để làm cho đúng. Tôi được các chú hướng dẫn buộc tài liệu trong người rồi mặc 2-3 lớp áo bên ngoài, vác thêm 1 bó mía để ngụy trang đi qua cổng canh gác của địch. Nhiều lần địch hỏi “Mày đi đâu?”, tôi nói “Đi xin mía”, nhờ vậy trót lọt qua đồn địch.
“Hồi đó mỗi lần phát hiện địch đi tuần, tôi sẽ gọi “Chị Hai (Ba, Bốn… tương ứng với số lượng địch) lấy giùm em cái này” để truyền ám hiệu cho bên ta bố trí lực lượng đủ để tiêu diệt địch. Hầu hết mỗi lần nhận ám hiệu, lực lượng du kích xã đều tiêu diệt gọn bọn địch. Trước những tổn thất về lực lượng, địch không dám qua lại vùng 3 (xã An Định), mà co cụm tại Hòn Đồn. Nhờ vậy, nơi này trở thành căn cứ địa cách mạng, là bàn đạp triển khai công tác của lực lượng vũtrang và tạo điều kiện đi lại cho người dân địa phương”, bà Nữ nhớ lại.
Sau 7 năm vừa tham gia hoạt động cách mạng vừa học tập, bà Nữ được phân công làm phân đoàn phó và tổ trưởng tổ du kích bí mật vùng 3. 15 tuổi, bà được tổ chức biểu dương và cử học lớp cảm tình Đảng, 18 tuổi vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 9/1967, bà được Tỉnh ủy phân công về TX Tuy Hòa làm cán bộ trực tiếp xây dựng cơ sở và hoạt động vũ trang trong nội thị với vai trò mũi trưởng. Từ năm 1969-1970, bà bị địch bắt giam ở nhà lao Phú Yên, Quân lao Nha Trang. Tại đây, bà được phân làm Bí thư Chi đoàn trong Quân lao Nha Trang. Tháng 7/1970, ra tù, bà Nữ trở về xã An Định để chữa bệnh do bị tra tấn dã man trong thời kỳ địch giam giữ. Cùng lúc đó, bà tham gia sinh hoạt chi đoàn thanh niên, cảnh giới, vận động người dân đóng góp lương thực cho cách mạng và tham gia đấu tranh chính trị, tiếp tục công tác tại vùng 3. “Sau thời gian hoạt động, tôi bị địch phục kích bắt, đày ra Côn Đảo biệt giam. Trong tù bị địch tra tấn dã man nhưng tôi kiên định một lòng, quyết không khai báo điều gì gây tổn hại cho Đảng, cho cách mạng”, bà Nữ chia sẻ.
Năm 1973, bà Nữ cùng một số đồng đội được địch trao trả tại sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) và được tổ chức đưa về căn cứ an toàn. Năm 1974, ở tuổi 24, bà Nữ được phân công làm cán bộ Ban Phong trào Tỉnh đoàn Phú Yên. Sau ngày thống nhất đất nước, bà được điều chuyển về công tác tại Hội LHPN tỉnh giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban Gia đình xã hội, Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh.
Miệt mài làm việc có ích
Nghỉ hưu đã gần 20 năm, bà Nữ chưa lúc nào ngơi công việc. Hiện bà là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố Lê Duẩn, Phó Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước phường 7 và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từng làm công tác hội phụ nữ, bà chú trọng chăm lo đời sống của chị em trong khu phố, dành nhiều thời gian tham gia các phong trào thi đua tại địa phương. Hơn 10 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, bà Nữđã làm cầu nối cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn chính sách, được mọi người tin tưởng, yêu thương.
Hiện tổ tiết kiệm và vay vốn do bà phụ trách có 20 thành viên với tổng dư nợ hơn 1,2 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động. Nhiều gia đình thuộc hộ nghèo, nhờ nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xãhội chi nhánh Phú Yên đã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Chị Lê Thị Hòa, thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố Lê Duẩn cho biết: Chồng mất sớm, tôi một mình nuôi con, nhưng bản thân hay bệnh tật nên rất khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng và được bà Nữ động viên, khích lệ, hướng dẫn công việc làm ăn nên gia đình bớt khó khăn. Bà Nữ rất có trách nhiệm, luôn gần gũi với chị em, cảm thông, thấu hiểu hoàn cảnh từng người để chia sẻ, tạo được niềm tin cho mọi người.
Bà Huỳnh Thị Kiều Diễm, Bí thư Đảng ủy phường 7 nhận xét: Là cán bộ hưu trí, thương binh hạng 4/4 nhưng bà Nữ luôn nhiệt tình tham gia các phong trào do địa phương phát động. Bằng sự gương mẫu, bà Nữ tạo được sự gắn kết, giúp đỡ các hội viên cùng vươn lên, là tấm gương đểphụnữ trong phường học tập, noi theo.
Trong suốt quá trình công tác, bà Lê Thị Việt Nữnhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành; vinh dự được nhận huy hiệu thi đua của Trung ương Đoàn, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng ba, nhiều kỷ niệm chương; đặc biệt là Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, phần thưởng cao quý của Đảng trao tặng. |
THÙY TRANG