Không chỉ thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, thời gian qua, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh còn được biết đến là nơi quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần.
Người tâm thần được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh. Ảnh: KIM CHI |
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.500 người tâm thần (NTT), trong đó Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, phục hồi chức năng cho gần 50 NTT. Đa số NTT vào đây đều có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh mãn tính.
Chia sẻ nỗi đau
Có đến tận nơi nuôi dưỡng, phục hồi chức năng NTT của Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh, mới thấu hiểu hết nỗi đau của NTT và sự kiên trì nhẫn nại của những người chăm sóc các bệnh nhân tâm thần tại đây.
Anh Lê Yên ở xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) mất ngủ và suy nghĩ nhiều khi không trúng tuyển vào đại học. Qua thăm khám, bác sĩ xác định anh mắc bệnh tâm thần phân liệt, cần phải điều trị tích cực. Sau đó, gia đình đưa anh đến Phòng Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho NTT của Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh. Hàng ngày, anh Yên được chăm sóc theo phác đồ, được phục hồi chức năng, tham gia các hoạt động chăm sóc vườn rau, cây cảnh, nuôi heo...
Sau một thời gian điều trị, sức khỏe anh có nhiều chuyển biến. Anh Yên nói: “Vào đây, tôi được các y bác sĩ chăm sóc nhiệt tình, chu đáo từ giấc ngủ, bữa ăn hàng ngày; được phục hồi chức năng, làm công việc nhẹ nhàng, giúp tâm lý ổn định, phục hồi thể trạng. Tôi mong sớm khỏi bệnh để trở về với gia đình, với mẹ già”.
Ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh cho biết: Người bệnh ở đây hầu hết đã được điều trị tại gia đình, cộng đồng; vì bệnh không thuyên giảm nên phải gửi vào trung tâm. Khi mới vào, phần đông NTT có biểu hiện kích động, khả năng tự phục vụ rất kém, hầu hết phụ thuộc vào cán bộ y tế nên công tác khám, điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Anh Yên là một trong những bệnh nhân đang chăm sóc, phục hồi tại trung tâm và có biểu hiện phục hồi rất tốt.
Dựa vào cộng đồng
Cũng theo ông Phạm Trần Lê, thời gian gần đây, đối tượng bị tâm thần có chiều hướng tăng, do nhiều nguyên nhân, như áp lực công việc, suy thoái kinh tế... Từ tháng 4 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận thêm 4 trường hợp NTT, trong đó có rất nhiều loại bệnh, như rối loạn stress do sang chấn, lo âu trầm cảm, nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện game... Hầu hết họ khi mới vào đều thiếu kiểm soát, dễ kích động…
“Để phục hồi chức năng cho bệnh nhân, ngoài theo phác đồ hướng dẫn và tùy từng đối tượng, chúng tôi tổ chức các hoạt động cho bệnh nhân giải trí bằng hình thức văn hóa văn nghệ, trồng rau… tạo tâm lý ổn định để việc điều trị hiệu quả hơn”, chị Hồ Thị Diễm Thúy, Trưởng phòng Y tế - Công tác xã hội cho hay.
Chị Nguyễn Thị Minh Trang, nhân viên trung tâm chia sẻ: NTT lúc tỉnh, lúc lên cơn nên rất khó khăn trong việc chăm sóc. Xác định bệnh nhân tâm thần là những người bệnh rất đặc thù, không nhận thức được nên chúng tôi coi họ như người thân trong gia đình, cố gắng chăm sóc, điều dưỡng người bệnh từ lúc vào đến lúc phục hồi về với gia đình. Hàng ngày, chúng tôi tìm hiểu tâm tư, tâm lý của NTT để có hướng xử lý tình huống ổn thỏa, giúp người bệnh sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tích cực phối hợp với các đơn vị y tế, các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình cụ thể để giúp NTT hòa nhập cộng đồng, như tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình có người mắc bệnh tâm thần các phương pháp, kỹ năng chăm sóc sức khỏe NTT; hoạt động phục hồi chức năng, nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc, phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
“Nhằm tạo điều kiện cho NTT và người rối nhiễu tâm trí sớm tái hòa nhập cộng đồng, tỉnh đã và đang tích cực triển khai thực hiện chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, phấn đấu ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ của NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí...”, bà Hiền cho biết thêm.
KIM CHI