Theo Sở LĐ-TB&XH, ngoài 2 cơ sở bảo trợ công lập, trên địa bàn tỉnh còn có các cơ sở bảo trợ ngoài công lập, như: Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi - Mái ấm chùa Hải Sơn (TX Sông Cầu), Cơ sở bảo trợ xã hội Mằng Lăng (huyện Tuy An), Trung tâm Cứu trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu). Các cơ sở này đang cung cấp dịch vụ xã hội cho hơn 1.000 đối tượng với các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, tham vấn, tư vấn, dạy văn hóa, điều trị nghiện ma túy…
Ngoài ra, một số tổ chức hội như: Hội Người mù, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi… cũng tham gia hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm đối tượng yếu thế là người khuyết tật, trẻ mồ côi, người cao tuổi. Các cơ sở bảo trợ xã hội đã đóng góp rất lớn trong công tác an sinh xã hội, đặc biệt là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng những đối tượng đặc biệt khó khăn, lang thang, cơ nhỡ…
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Qua thực hiện đề án Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH), toàn tỉnh đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và hoạt động hiệu quả. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên, số lượng nhân viên CTXH hơn 800 người. Thời gian đến, tỉnh sẽ tăng cường quản lý nhà nước đối với việc phát triển CTXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; tiếp tục duy trì củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn. Mục tiêu tổng thể của chương trình Phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 tỉnh Phú Yên là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân.
HOÀNG LÊ