Trong những ngày tham gia trại sáng tác Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cùng các văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, chúng tôi có dịp chinh phục tháp truyền hình cao nhất Tam Đảo.
Đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên chinh phục tháp truyền hình cao nhất Tam Đảo. Ảnh: SIÊU TIẾN |
Nghệ sĩ lớn tuổi nhất về đích đầu tiên
Tháp truyền hình thị trấn Tam Đảo cao 100m, nằm trên đỉnh núi Thiên Nhị cao 1.375m so với mực nước biển. Đây là địa điểm cao nhất Tam Đảo. Để lên tháp truyền hình, mỗi người phải leo 1.394 bậc thang đá dốc và chen qua những con đường hẹp.
Xuất phát từ Nhà sáng tác Tam Đảo, chúng tôi đi theo kiểu “vòng tay ôm” để lên tháp truyền hình. Đầu tiên là rẽ phải theo đường Phạm Văn Đồng gần 1 cây số, rồi vòng qua trái đến đường bậc thang đá. Còn nếu rẽ trái cũng theo đường Phạm Văn Đồng, đi hơn 1 cây số rồi vòng lại phải cũng đến đường bậc thang đá. Đây là điểm xuất phát bằng đường bậc thang duy nhất lên tháp truyền hình.
Tại điểm xuất phát đường bậc thang có nhiều hàng quán bán trái cây, nước uống để tiếp sức cho du khách leo núi. Đi đường bậc thang 15 phút, hỏi thăm những người đi từ trên xuống thì được biết mới được nửa chặng đường. Họa sĩ Lê Thị Thanh Trúc, sinh năm 1985, người nhỏ tuổi nhất, bắt đầu thấm mệt, đứng nghỉ bên đường nói hổn hển: Lúc mới xuất phát qua một phần ba chặng đường, tôi tưởng chừng bước hết nổi, nhờ đông vui nói cười mà quên đi cái mệt lấy trớn bước tiếp. Tôi cố đi để tận hưởng cảm giác ở nơi cao nhất!
Còn họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà, trên đường leo núi thấy có cây lồ ô ven đường liền cầm lấy làm gậy chống, bước đi từng bước một. Nữ họa sĩ này cho biết nhờ có cây gậy trợ lực, đôi chân bớt mệt, cảm giác đường lên dốc ngắn lại.
Tháp truyền hình nhìn từ Nhà sáng tác Tam Đảo. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM |
Trong đoàn leo núi, người lớn tuổi nhất là nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Phụng Kỳ, 72 tuổi, nhưng leo nhanh nhất và chỉ duy nhất bằng đôi chân. Khi đoàn đi một chặng đường ngắn thì ông đã đi qua khúc cua, mất dạng. Leo được nửa chặng đường, mọi người ngồi nghỉ mệt, ngước nhìn lên thì thấy ông đang ở tít trên cao. Có người thấm mệt bàn lùi, muốn quay lại nhưng lấy ông làm gương, cố gắng đi tiếp. Cuối cùng nghệ sĩ lớn tuổi nhất về đích đầu tiên.
Nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ tâm sự: “Ngày đầu đến nhà sáng tác nhìn lên thấy tháp truyền hình như “thách thức” mình. Thật tình mà nói, đến Tam Đảo, tôi dư sức lượn vài vòng qua các địa điểm: Cổng Trời, Thác Bạc… Nhưng đối với tháp truyền hình thì phải coi lại sức mình vì độ cao. Thế nhưng cuối cùng tôi cũng đến được”. Theo nghệ sĩ U80 này, đến Tam Đảo mà không một lần lên tháp truyền hình là tiếc một đời. Lên đến tháp truyền hình Tam Đảo mới thấy thách thức thú vị không chỉ dành cho bản thân mà cho nhiều du khách. Đây quả là một chuyến dạo chơi tạo nhiều cảm hứng cho người tham gia. “Tưởng đâu “liều mạng già” nhưng cuối cùng mình là người đầu tiên trong đoàn chinh phục đỉnh cao nhất Tam Đảo”, nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Phụng Kỳ cười nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Sơn, người tranh tài leo núi với nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, về đích thứ hai cho hay: Ban đầu đi cùng, nhưng rồi tôi rớt lại phía sau. Công nhận anh Kỳ đã qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng leo núi rất cừ. Đôi chân anh bước như chạy lên dốc, cả đoàn phấn đấu theo sau, sức anh “dìu” đoàn lên chân tháp.
Khám phá núi rừng Tam Đảo
Sau khi chụp hình lưu niệm ở cạnh tháp truyền hình Tam Đảo, đứng ngắm trời mây, đoàn bắt đầu xuống núi. Con đường chinh phục tháp truyền hình một công mà hai việc, khi đi xuống hai phần ba chặng đường, rẽ phải ghé qua đền Bà Chúa Thượng Ngàn, đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên dâng lễ, thắp hương, rồi xuôi xuống ấn tượng với rừng trúc xanh mát. Mọi người đi chậm tận hưởng không gian thanh tịnh như chốn bồng lai tiên cảnh trong truyền thuyết, trước khi về lại điểm xuất phát đường bậc thang. Nhiều người thở phào, đi đường rừng biết được núi non Tam Đảo.
Chống gậy lên tháp truyền hình. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Siêu Tiến chia sẻ: Lang thang trên ngàn bậc thang cuối cùng cũng về đến nhà sáng tác. Một chuyến đáng đi đáng nhớ. Đến đó không chỉ ngắm công trình tháp cao được xây dựng bởi công sức, mồ hôi của con người mà biết cảnh núi non mang vẻ đẹp, màu sắc riêng. Những ngày đến Tam Đảo, đi vòng qua các nơi rồi đến tháp truyền hình, tôi chụp được nhiều bức ảnh trong mây...
Theo Sở Văn hóa - Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao Thạch Bàn, Thiên Nhị và Máng Chỉ nhô lên trên biển mây. Có thể gọi nơi đây là miền biển mây, bởi vùng núi non này luôn ngập tràn mây trắng. Nói đến Tam Đảo là nói đến mây trắng.
Ông Đặng Văn Đức, một người cao tuổi ở thị trấn Tam Đảo, cho hay: Tam Đảo có khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Nhiệt độ trung bình luôn thấp hơn Hà Nội, chỉ dao động từ 18-250C, lạnh dần vào mùa đông, nhưng không quá lạnh nên khá dễ chịu. Vậy nên du khách có thể khám phá tháp truyền hình nổi tiếng ở Tam Đảo bất cứ lúc nào.
Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên chia sẻ: Tính từ năm 2012, đây là lần thứ 2 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mở trại sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo. Khu vực này là rừng già, nên cảnh đẹp tự nhiên và hùng vĩ. Đứng từ Nhà sáng tác Tam Đảo nhìn lên, bao quanh là dãy núi với tháp truyền hình cao ngất, thỉnh thoảng lại có những đám mây kéo về bao phủ, cả thị trấn nổi lên như một kỳ quan thiên nhiên kỳ diệu nên nhiều người háo hức leo núi. Chinh phục tháp truyền hình Tam Đảo là một nỗ lực không nhỏ của anh chị em nghệ sĩ tham gia trại, vừa sáng tác, vừa rèn luyện sức khỏe, thử tài dẻo dai.
Đến Tam Đảo mà không một lần lên tháp truyền hình là tiếc một đời. Lên đến tháp truyền hình Tam Đảo mới thấy thách thức thú vị không chỉ dành cho bản thân mà cho nhiều du khách. Đây quả là một chuyến dạo chơi tạo nhiều cảm hứng cho người tham gia.
Nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Phụng Kỳ |
MẠNH LÊ TRÂM