Thứ Năm, 28/11/2024 22:58 CH
Kết nối để tạo việc làm bền vững cho người lao động
Thứ Hai, 21/08/2023 11:00 SA

Học viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tham gia lớp học may. Ảnh: KIM CHI

Đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, tư vấn việc làm… là những giải pháp đã được tỉnh triển khai, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội địa phương.

 

Những kết quả trong công tác này khẳng định hiệu quả trong liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.

 

Đào tạo nghề theo địa chỉ

 

Công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang từng bước gắn với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của địa phương. Các cơ sở GDNN trong tỉnh đã từng bước chú ý đến việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đào tạo bằng các hình thức, như: Ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp, mời các doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng sau mỗi khóa học… Qua đó tạo thuận lợi cho người lao động tìm kiếm, tự tạo việc làm.

 

Ông Lê Đức Tịnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp, với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thị trường lao động là tất yếu và là nội dung quan trọng, cấp thiết đang được các cấp, ngành quan tâm.

 

Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đang thu hút người học từ việc nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết đầu ra. Các hoạt động như: Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng hoặc theo nhu cầu xã hội... được đẩy mạnh, nhằm giúp nâng cao tỉ lệ học viên sau khi đào tạo có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định.

 

Theo ông Hoàng Minh Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc tỉnh, thời gian qua, ban giám hiệu nhà trường đã chủ động phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức khảo sát, rà soát, nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề trong các doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Nhà trường cũng đã phối hợp tổ chức cho sinh viên thực hành tại doanh nghiệp và đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp.

 

“Thời đại 4.0 đòi hỏi công nhân phải có kỹ thuật tay nghề cao để phục vụ doanh nghiệp. Do vậy, nhà trường đã xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề phù hợp xu thế CNH-HĐH. Hàng năm, giáo trình đều có chỉnh sửa cho sát với thực tiễn. Nhà trường cũng phối hợp doanh nghiệp đào tạo cho học viên, bảo đảm khi ra trường làm được việc ngay”, ông Hải cho biết.

 

Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở đăng ký hoạt động GDNN, trung bình mỗi năm đào tạo từ 8.000-10.000 học viên, sinh viên với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, nhiều ngành nghề thu hút đông đảo học viên, tỉ lệ xin được việc cao sau khi tốt nghiệp, như hàn - tiện, sửa chữa ô tô, kỹ thuật lắp ráp máy tính, vận hành máy đào - máy ủi, may công nghiệp, may thời trang, trang điểm cô dâu, uốn tóc, điện dân dụng, điện công nghiệp… Việc các cơ sở GDNN tuyển sinh ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương đã giúp học viên có nhiều sự lựa chọn. Sau khi được đào tạo nghề, nhiều người chọn làm việc có thời hạn ở nước ngoài để cải thiện cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc tỉnh tổ chức lớp tin học văn phòng cho thanh niên vùng miền núi. Ảnh: KIM CHI

 

Gắn kết Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp

 

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN như: Xã hội hóa trong GDNN, miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN... Một số cơ sở GDNN liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

 

Theo Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 17.300 lao động, đạt 69% kế hoạch năm; ước năm 2023 giải quyết việc làm cho 28.300 lao động, đạt 113% kế hoạch đề ra, tăng 13% so với năm 2022.

 

Ông Phạm Tâm Đê, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho hay: Công tác GDNN đang từng bước gắn với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương. Các cơ sở GDNN đã chú ý đến việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đào tạo bằng các hình thức như: Ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp, mời các doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng sau mỗi khóa học... tạo thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm.

 

“Bước đầu đã có sự liên kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động. Các doanh nghiệp đã tham gia với các cơ sở GDNN trong việc hoàn thiện nội dung, chương trình dạy nghề theo yêu cầu của sản xuất; nhận học sinh, sinh viên vào thực tập và làm việc tại doanh nghiệp”, ông Phạm Tâm Đê chia sẻ.

 

Hiện nay, hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật về dạy nghề đã được tỉnh xây dựng tương đối đầy đủ, đồng bộ, làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động dạy nghề được tổ chức trên địa bàn. Việc triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển dạy nghề ở tỉnh từng bước đi vào nề nếp. Nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội đã có những chuyển biến tích cực, dành sự quan tâm nhiều hơn đến công tác dạy nghề.

 

Bên cạnh đó, bộ máy và cơ chế quản lý hoạt động GDNN từng bước được kiện toàn và hoàn thiện. Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển theo quy hoạch. Số lượng cơ sở GDNN vẫn duy trì ổn định, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình đào tạo. Công tác xã hội hóa dạy nghề đang từng bước hình thành. Quy mô dạy nghề tăng nhanh, góp phần tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Cơ cấu nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh theo nhu cầu lao động của các ngành kinh tế và thị trường lao động…

 

Những kết quả trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động đã khẳng định hiệu quả trong liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Việc thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội. Người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá, đời sống từng bước được cải thiện, tiến tới giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững.

 

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Đức Tịnh, để thực hiện tốt hơn nữa công tác GDNN, tạo việc làm ổn định, các cơ sở GDNN và doanh nghiệp cần phải phối hợp để cụ thể về số lượng, ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo, thời gian và có kế hoạch cụ thể về tổ chức tuyển dụng. Các cơ sở GDNN cần chủ động, xây dựng đa dạng ngành, nghề đào tạo phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động trong các khu công nghiệp tập trung; các cụm điểm công nghiệp, các làng nghề và dạy nghề tham gia xuất khẩu lao động. 

 

Các cơ sở GDNN đã chú ý đến việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đào tạo bằng các hình thức như: Ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp, mời các doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng sau mỗi khóa học..., tạo thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm.

 

Ông Phạm Tâm Đê, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH)

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek