Chỉ sau một cú va chạm với con chó chạy rông trên đường, cháu Ngô Thị Diễm Chân ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) ngã xuống đường, bị vỡ xương đầu gối, tổn thương dây chằng… Ngay trong đêm, gia đình phải thuê xe cứu thương đưa em vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh để mổ. Đây chỉ là 1 trong vô vàn trường hợp bị tai nạn khi đang tham gia giao thông va chạm phải chó thả rông.
Một người dân đưa chó ra bãi biển - nơi nhiều người tập thể dục và tắm biển mà không có biện pháp giữ an toàn cho những người xung quanh. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG |
Mặc dù vậy, chính quyền các cấp hiện vẫn chưa có giải pháp nào triệt để có thể chấm dứt tình trạng này.
Mất an toàn giao thông
Qua gần 1 tuần điều trị tại TP Hồ Chí Minh, cháu Ngô Thị Diễm Chân ở xã Hòa Thắng vừa được xuất viện trở về nhà. Bệnh viện yêu cầu 2 tuần sau phải quay vào tái khám. Nhưng đường sá xa xôi, chi phí tốn kém nên gia đình chị xin tái khám sau 3 tuần.
Nhớ lại khoảnh khắc bị tai nạn cháu Chân vẫn còn bàng hoàng: Khoảng 17 giờ ngày 3/8, lúc đó cháu đang đi xe đạp đến lớp học hè. Ngang qua đoạn đường trước trụ sở UBND xã Hòa Thắng thì có con chó lớn màu đen chạy ào ra, lao vào xe làm cháu ngã, đầu gối chân phải đập mạnh xuống đường đau đớn vô cùng. Đến giờ gia đình cháu vẫn không biết con chó gây tai nạn là chó nhà ai.
Còn chị Nguyễn Thị Tâm, mẹ cháu Chân bức xúc: Rất may lúc đó đường vắng, nếu như có nhiều xe cộ qua lại thì tính mạng con gái tôi còn bị nguy hiểm hơn nữa. Chính quyền địa phương nếu vẫn tiếp tục không có biện pháp xử lý, quản lý tốt việc thả rông chó, mèo nuôi thì nguy hiểm vẫn còn tiếp tục rình rập trên những con đường, uy hiếp tính mạng của người dân.
Tương tự, cách đây không lâu, đang trên đường đi công việc về, em Nguyễn Vũ Như Ý ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cũng bị ngã xe do va chạm phải chó thả rông trên đường. Theo em Ý, trên đường ĐH22 nhiều đoạn có chó thả rông nên mỗi khi qua đây em rất thận trọng quan sát. Nhưng ngày hôm đó, con chó bất ngờ lao ra từ trong đường hẻm, đâm sầm vào bánh trước xe nên em không né kịp. Nhờ đi chậm nên em chỉ bị trầy da, nhưng xe máy của em bị bể nhiều chỗ, tốn nhiều tiền sửa.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp bị tan nạn do va chạm với chó thả rông khi đang tham gia giao thông trong thời gian qua. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông bởi chó thả rông.
Theo Công an xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), thời gian qua, tại địa phương có nhiều trường hợp người dân bị ngã xe do va chạm với chó thả rông. Nhiều người bức xúc và kiến nghị lên chính quyền địa phương. Vì vậy, địa phương đã có thông báo đề nghị những người nuôi chó phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Trường hợp khi chính quyền phát hiện chó thả rông sẽ bắt nhốt và xử lý theo quy định.
Việc nuôi chó đã được Nhà nước quy định rất cụ thể tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, nghiêm cấm việc thả rông chó ra đường. Chủ nuôi khi muốn đưa chó ra đường, đến nơi công cộng phải đeo dây xích và có người dắt, bắt buộc chó phải được đeo rọ bọc mõm khi đưa đến nơi công cộng… Cũng theo quy định này, nếu người nuôi vi phạm các quy định trên sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 600.000-800.000 đồng/mỗi lần vi phạm. Quy định, mức xử phạt đã có, tuy nhiên, lâu nay, nhiều người nuôi chó vẫn chưa tuân thủ các quy định này. Một phần có thể là do thiếu hiểu biết về pháp luật, phần khác là vì vẫn chưa có trường hợp nào vi phạm bị xử phạt theo quy định pháp luật dẫn đến tâm lý chủ quan, xem thường quy định.
Chưa có giải pháp triệt để
Hiện nay, cuộc sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu nuôi thú cưng càng nhiều. Bên cạnh một số người nuôi thú cưng có sự chăm sóc và quản lý tốt thì vẫn còn rất nhiều gia đình nuôi thú cưng theo kiểu giữ nhà, mặc nhiên thả rông khắp xóm làng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.
Gia đình ông Th ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9 (TP Tuy Hòa) nuôi 3 con chó nhưng lại không quản lý tốt. Ngoại trừ được nhốt trong nhà vào ban đêm để khỏi bị bắt trộm, thời gian còn lại ông đều thả chó ra đường, khiến ai cũng ngao ngán, nhiều lần góp ý nhưng chưa hề thay đổi.
Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều vùng nông thôn, miền núi của tỉnh. Những con chó nằm giữa đường hoặc chạy lung tung nơi công cộng là hình ảnh quen thuộc ở các vùng quê. Nhiều người gần như quen với việc này nên không còn để ý, chỉ đến khi xảy ra chuyện không may như va chạm giao thông, chó cắn người… thì mới tính đến chuyện xích nhốt.
Chủ tịch UBND xã An Phú (TP Tuy Hòa) Ngô Bích Hiên, cho hay: Tại địa phương, người dân vẫn còn thói quen nuôi chó thả rông. Thỉnh thoảng cũng có một vài mâu thuẫn về việc thả rông chó, chính quyền địa phương đã mời lên tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định khi nuôi chó nhưng chưa xử phạt hành chính trường hợp nào.
Theo ông Đào Tấn Hữu, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, mặc dù chính quyền đã thực hiện tuyên truyền khá nhiều về việc không thả rông chó, mèo, tuy nhiên vấn nạn này vẫn chưa chấm dứt. Việc xử lý các gia đình thả rông, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi đưa chó ra đường chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền, chứ chưa xử phạt hành chính. Về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thả rông chó ra đường, nơi công cộng vẫn rất khó thực hiện, vì hiện nay, ở nông thôn, hầu như nhà nào có nuôi chó đều thả rông vì vậy trước tiên chính quyền sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết việc thả rông chó ra nơi công cộng là vi phạm pháp luật và những mức xử phạt cụ thể. Sau đó mới có thể tiến tới việc xử phạt điểm để răn đe.
Nếu người nuôi vi phạm các quy định về việc thả rông chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 600.000-800.000 đồng/mỗi lần vi phạm. |
THỦY TIÊN