Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương có nhiều chính sách triển khai mô hình trồng mía có nước tưới nhằm thúc đẩy cơ giới hóa và nâng cao năng suất. Tuy nhiên, hiện nhiều nông dân chưa sẵn sàng chuyển đổi, áp dụng vào sản xuất.
Nâng cao năng suất, tăng thu nhập
Trồng mía tưới nước là để nâng cao năng suất, đáp ứng tiến độ thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, trồng mía tưới nước áp dụng cơ giới hóa hình thành cánh đồng lớn, thúc đẩy liên kết sản xuất.
Tại xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), gia đình ông So Minh Hùng thu hoạch 3ha mía áp dụng trồng theo mô hình đào hố, tưới nước. Nhờ chủ động nước tưới, không trông chờ nước trời như trước, cây mía phát triển tốt, năng suất cao, khoảng 80 tấn/ha. Còn ông Đoàn Đắc Miên ở xã Sơn Nguyên, cho biết vẫn giữ ổn định 12ha mía có nước tưới nhỏ giọt mỗi vụ.
Theo ông Alê Y Bớ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa, địa phương có 13.000ha mía, là vùng trồng mía lớn nhất tỉnh, tập trung tại các xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Suối Bạc, Ea Chà Rang. Huyện khuyến khích và có chính sách đầu tư cho nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học và canh tác, như trồng mía có tưới, đưa máy móc cơ giới vào khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch mía. Những chính sách này đã góp phần đem lại lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị diện tích.
“Trong 13.000ha mía của huyện, 2.400ha có nguồn nước tưới ổn định, năng suất đạt gần 100 tấn/ha, diện tích còn lại bình quân đạt từ 58-60 tấn/ha. Tính bình quân, người trồng mía có lãi 30-40 triệu đồng/ha”, ông Alê Y Bớ nói.
Nông dân xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) áp dụng mô hình trồng mía tưới nhỏ giọt. Ảnh: LÊ TRÂM |
Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vùng nguyên liệu mía của tỉnh chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Nếu không có hệ thống tưới chủ động thì nắng hạn sẽ làm giảm năng suất mía, giảm thu nhập của bà con.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án Áp dụng tưới nước bằng béc phun quay tự động để giải hạn cho cây mía. Qua thí điểm, hệ thống đã phát huy hiệu quả về tăng năng suất, đồng thời làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân, góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Chi phí đầu tư cho mỗi hệ thống tưới này trên 33 triệu đồng và sử dụng được ít nhất 5 năm liên tục.
Huyện Sông Hinh có diện tích mía đứng thứ hai trong tỉnh, hàng năm dao động từ 4.500-5.300ha. Tại đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại các vùng nguyên liệu”. Bà Trần Kim Tuyến ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) cho hay: Trước đây, tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mô hình trồng mía có nước tưới, mang lại hiệu quả cao. Thế nhưng sau đó không thể nhân rộng vì đường vận chuyển bị xói lở, không thể đưa thiết bị máy móc vào tận nơi được.
Là người trồng mía lâu nay ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 - vùng trồng mía lớn nhất huyện Đồng Xuân, ông Phan Văn Can chia sẻ: Gần 20 năm tôi theo cây mía, nhưng có năm nắng hạn, mía chết dần, cuối vụ chỉ còn lõm giữa. Vùng trồng mía không có nước tưới thì không thể bảo đảm năng suất.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tỉnh có chủ trương khuyến khích người dân sử dụng nước tưới để tăng năng suất mía. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu mía của tỉnh chủ yếu tập trung ở các vùng gò đồi cao, điều kiện sản xuất, vận chuyển còn khó khăn. Hơn nữa, chi phí mua sắm cao, nguồn nước khu vực đồi núi không đảm bảo nên nông dân chưa sẵn sàng chuyển đổi.
“Hàng năm, trung tâm và các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh thực hiện những mô hình trình diễn đầu tư thâm canh mía có nước tưới làm cơ sở để nhân rộng các giống mía LK92-11, Uthong 11, R579, K83-29, KK3. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể nhân rộng các mô hình này vì hạ tầng cơ sở phục vụ việc trồng mía thiếu đồng bộ từ khâu trồng đến khâu thu hoạch”, ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết.
MẠNH LÊ TRÂM