Dù đã có nhiều kết quả đáng khích lệ trong thực hiện bình đẳng giới (BĐG) nhưng quan niệm, tư tưởng trọng nam khinh nữ đâu đó vẫn còn tồn tại. Vì vậy, để hướng tới BĐG thực chất, quan trọng nhất là thay đổi tư duy của mỗi người, đặc biệt cần sự thay đổi, vào cuộc của nam giới.
“Phát huy sức mạnh của BĐG: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta” là thông điệp được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đưa ra cho ngày Dân số thế giới 11/7/2023, một lần nữa thể hiện những nỗ lực không ngừng bảo đảm quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn.
Sinh con một bề - gia đình vẫn hạnh phúc
“Hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con gái hay con trai mà chính là việc cha mẹ cùng quan tâm yêu thương, giáo dục, vun đắp cho tương lai các con như thế nào. Thực tế cho thấy, khi con cái được chăm sóc, nuôi dạy tốt, thì dù là con trai hay con gái, việc hiếu nghĩa cũng như nhau”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên khẳng định.
Có mặt tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên từ sáng sớm, chúng tôi gặp anh Công Minh Dự, quê xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa). Vợ anh Dự vào viện lúc 2 giờ đêm, sinh bé gái lúc 5 giờ sáng. Anh Dự cho biết vì là con đầu lòng nên cả thai kỳ của vợ, anh đều chăm sóc kỹ càng từ chế độ dinh dưỡng, khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Đủ tháng đủ ngày, anh Dự vui sướng bế con từ phòng sinh ra chăm sóc để vợ được nghỉ ngơi. “Khi vợ mang bầu tôi rất vui. Tôi luôn nghĩ sẽ chăm sóc con như thế nào, cố gắng làm việc để lo cho con học hành và có cuộc sống đầy đủ. Khi đưa vợ vào bệnh viện, cả đêm ngồi chờ vợ sinh, đến khi nghe bác sĩ thông báo là con gái, con khỏe, mẹ hồi phục tốt, tôi mới thấy yên tâm, vỡ òa hạnh phúc”, anh Dự nói.
Sinh con một bề với hai cô con gái, vợ chồng chị Phạm Thị Kim Oanh và anh Đỗ Thanh Công (xã An Chấn, huyện Tuy An) thấy hạnh phúc viên mãn vì các con là món quà tạo hóa đã mang đến cho gia đình. Từ ngày sinh hai con gái, chị chưa từng nghe chồng có một lời phân biệt về giới tính của con. Anh Công yêu thương, chăm chút các con từng tí một, hai con gái của anh chị đều ngoan ngoãn, học giỏi. Kể cả mẹ chồng chị, dù nhà có mỗi anh Công là con trai, cũng chưa khi nào mở lời bảo chị sinh thêm để có con trai nối dõi.
Anh Công chia sẻ: “Đôi khi còn những lời gièm pha, nhưng chúng tôi chỉ nghe chứ không để trong lòng. Chúng tôi cố gắng làm việc chăm chỉ mới lo được cho các con ăn học đầy đủ. Với tôi, nuôi dạy các con lớn khôn nên người vừa là trách nhiệm, vừa là hạnh phúc”.
Thay đổi tư duy, phát huy tiềm năng phụ nữ
Bác sĩ La Thị Hồng Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên cho biết: Số trẻ sinh ra tại bệnh viện từ 110-111 bé trai/100 bé gái. Tỉ số giới tính khi sinh này khá cao so với tỉ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường (104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống).
Sự chênh lệch này một phần xuất phát từ tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ, khi gia đình đã có đủ hai con vẫn muốn sinh thêm để có con trai. Mặt khác, ngày nay do tiến bộ y học nên nhiều cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp lựa chọn giới tính trước sinh.
Tình trạng mong muốn có con trai dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, về lâu dài là vấn đề nghiêm trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, xã hội thừa nam thiếu nữ, nhiều nam giới không có cơ hội kết hôn vì thiếu cô dâu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường như: dễ dẫn đến gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội.
Chính vì vậy, điều cần thiết hiện nay vẫn là đẩy mạnh các biện pháp truyền thông để thay đổi nhận thức của xã hội và cộng đồng về vấn đề này. Chỉ khi nhận thức được nâng cao mới chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện BĐG thực chất. Nghĩa là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển đất nước.
Theo bác sĩ La Thị Hồng Phong, đối với phụ nữ, nhiều người coi việc không sinh được con trai là có phần lỗi của mình và mặc cảm vì điều đó. Trên thực tế, sinh con trai hay con gái là do người chồng quyết định. Và quan niệm sinh bằng được con trai ngày nay đã không còn phù hợp.
“Vì vậy, thay vì theo đuổi để sinh được con trai, phụ nữ nên tôn trọng, yêu thương bản thân mình, tự chủ tài chính, thoát khỏi tư duy, quan niệm mình là phái yếu cần phải có chỗ để dựa vào. Chỉ khi phụ nữ nhận thức được việc yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình thì mới thực sự hướng đến BĐG theo đúng nghĩa tích cực của nó. Và chỉ khi những người cha, người mẹ có nhận thức đúng về BĐG mới là tấm gương để giáo dục, hình thành nên tư duy, quan niệm của một thế hệ trẻ sau này về vấn đề giới”, bác sĩ Phong nhấn mạnh.
THÁI HÀ