Đó là đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 403/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (NQLT 403) tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết này vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến đến ủy ban MTTQ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại điểm cầu Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam tham dự hội nghị cùng các đơn vị có liên quan.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết sau 5 năm thực hiện NQLT 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.
Từ năm 2018-2022, ban thường trực ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc, trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát 2.689 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và mặt trận cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, ban thường trực ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở.
Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã chia sẻ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện; đồng thời làm rõ bối cảnh, yêu cầu và những vấn đề đặt ra trong thực hiện quy định về hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian tới. Trên cơ sở đó đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện nghị quyết.
Nhấn mạnh tới yêu cầu MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị hệ thống MTTQ từ trung ương tới cơ sở phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó làm tốt hơn công tác tham mưu, tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội và tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp với MTTQ thực hiện nhiệm vụ này.
THÚY HẰNG