Làm việc bằng tinh thần trách nhiệm của nhà báo, họ có những tác phẩm báo chí thu hút sự quan tâm của độc giả, khán thính giả, lan tỏa những thông điệp tích cực, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Báo Phú Yên ghi lại những chia sẻ của một số nhà báo có tác phẩm được Hội đồng Giải thưởng báo chí tỉnh Phú Yên lần thứ XVI đánh giá cao.
NHÀ BÁO XUÂN TRIỆU, PHỤ TRÁCH CƠ QUAN THƯỜNG TRÚ THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TẠI PHÚ YÊN: Nghề báo có nhiều niềm vui
Làm báo đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều. Vui nhất là sau khi đăng tải, các tác phẩm báo chí của mình được bạn đọc đón nhận và có những phản hồi tích cực.
Mấy năm trước, từ những thông tin ban đầu liên quan đến danh thắng quốc gia Hòn Yến, tôi ấp ủ ý định thực hiện bài viết về bảo vệ môi trường sinh thái và rạn san hô ở đây nên bắt đầu thu thập thông tin, hình ảnh. Từ tháng 8/2020-9/2022, Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ tỉnh Phú Yên thực hiện dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, huyện Tuy An. Tôi thấy dự án này rất hay, nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng trong quản lý, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ hệ sinh thái. Điều đặc biệt là người dân được giao quyền quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái san hô Hòn Yến. UNDP kỳ vọng Hòn Yến sẽ là điểm du lịch học tập trong nước và quốc tế về mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ hệ sinh thái san hô.
Tháng 11/2022, mô hình này sơ kết. Từ những thông tin, dữ liệu đã thu thập được, tôi viết loạt bài Bảo tồn quần thể san hô Hòn Yến. Loạt bài gồm 2 bài, đăng trên báo điện tử Tin tức - kênh thông tin của Chính phủ do TTXVN phát hành.
Tôi gửi tác phẩm dự Giải báo chí tỉnh Phú Yên với suy nghĩ góp phần vào một hoạt động chuyên môn và để tác phẩm thêm một lần lan tỏa. Có giải thì vui. Giải thưởng là sự khích lệ, động viên những người làm báo, đồng thời góp phần khẳng định năng lực của nhà báo.
NHÀ BÁO HÀ KIỀU MY (BÁO PHÚ YÊN): Có những nhân vật truyền cảm hứng cho tác giả
Được Ban Biên tập Báo Phú Yên phân công tuyên truyền về lĩnh vực xây dựng Đảng từ năm 2018 đến nay, tôi cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng để hoàn thiện các bài viết của mình mang lại chất lượng cao nhất.
Năm 2022, tôi thực hiện loạt bài 3 kỳ Công tác tuyên truyền miệng của Đảng trong thời đại 4.0. Tôi thấy đây là đề tài khó nhưng không “khô”, sinh động và thiết thực. Công tác tuyên truyền miệng được xem là một kênh thông tin tuyên truyền quan trọng, sắc bén của Đảng nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đây cũng là một vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hơn nữa, năm 2022 đánh dấu tròn 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư (khóa X) và Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên (khóa XIV) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, nên có nhiều vấn đề cần bàn luận về công tác này.
Loạt bài đoạt giải cao, tạo động lực để tôi tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều bài viết chất lượng ở mảng đề tài xây dựng Đảng. Điều vui hơn là trong quá trình tác nghiệp, tôi đã được gặp các nhân vật rất ấn tượng. Đó là anh Ksor Y Đen, Bí thư Đảng ủy xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), người cán bộ không quản ngày đêm vất vả, đi đầu chặn luồng gió độc “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”; là già làng La Mo Tư ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), mặc dù đã bước qua 85 mùa rẫy nhưng làm việc gì cũng luôn nghĩ đến Đảng, đến dân đầu tiên. Các nhân vật này đã truyền cảm hứng cho tôi, khích lệ tôi làm việc, cống hiến nhiều hơn.
TRUNG TÁ - NHÀ BÁO HOA SIÊM (CÔNG AN PHÚ YÊN): Hạnh phúc khi những nỗ lực được ghi nhận
Cùng với xu thế phát triển của báo chí hiện đại và yêu cầu công tác trong tình hình mới, đội ngũ làm công tác tuyên truyền Công an tỉnh đã mở rộng phạm vi hoạt động, tác nghiệp với nhiều thể loại báo chí. Với khối lượng công việc nhiều trong điều kiện quân số còn mỏng, chúng tôi luôn nỗ lực để vừa sản xuất các chương trình đảm bảo về thời lượng, phong phú về hàm lượng thông tin, hấp dẫn, lôi cuốn khán thính giả, vừa phục vụ tốt các yêu cầu nghiệp vụ của ngành.
Bốn năm trước, các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo như “Tin lành đấng Christ”, “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” đã xâm nhập vào Phú Yên, lôi kéo nhiều người dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin ở huyện miền núi Sông Hinh tham gia. Các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo này còn móc nối, cấu kết với tổ chức “FULRO - Tin lành Đêga” và các tổ chức phản động ở nước ngoài hoạt động, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự địa phương. Một số gia đình bị lừa phỉnh, nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu đã bán hết tài sản, ruộng rẫy để mong được bọn chúng đưa ra nước ngoài, hưởng cuộc sống giàu sang, sung sướng nhưng lại phải ôm quả đắng vì sống tha hương, cùng cực nơi xứ người, lúc nào cũng lo sợ bị cảnh sát nước bạn bắt giữ và phải cầu cứu cơ quan chức năng Việt Nam giúp đỡ để được hồi hương. Các tổ chức phản động cũng không ngừng đưa ra những thủ đoạn mới để kích động, chống phá, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.
Tôi thực hiện tác phẩm Chặn đứng những “luồng gió độc” để góp phần vạch trần những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo, tuyên truyền cho bà con hiểu rõ âm mưu, bản chất thâm độc của các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo, đồng thời qua đó phản ánh sự nỗ lực của lực lượng Công an Phú Yên trong công tác đấu tranh, vô hiệu hóa, bóc gỡ các tổ chức phản động này, góp phần giữ bình yên cho các buôn làng.
Tôi vui và hạnh phúc vì những nỗ lực của mình được ghi nhận. Tôi mong rằng những thông tin mình phản ánh sẽ góp phần giúp mọi người nâng cao cảnh giác, động viên, cổ vũ Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; góp phần lan tỏa những thành tích, chiến công, hình ảnh đẹp của lực lượng công an Phú Yên để người dân thêm hiểu những hy sinh, gian khổ của lực lượng công an, giúp đỡ lực lượng công an Phú Yên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
NHÀ BÁO NGUYỄN YÊN (ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH PHÚ YÊN): Cùng đồng nghiệp cảnh báo cho người dân bằng tác phẩm
Nhà báo Nguyễn Yên và nhà báo Đắc Lâm (bên phải) |
Sau đại dịch COVID-19, một số người khao khát tìm việc làm nhưng do nhận thức còn hạn chế, không biết sàng lọc thông tin trên mạng xã hội nên đã bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao.
Từ thông tin về việc một số gia đình lên mạng xã hội cầu cứu, trong đó có 2 bà mẹ ở Tây Hòa đang tìm con, tôi trao đổi với đồng nghiệp Đắc Lâm và thống nhất thực hiện loạt phóng sự truyền hình “Sập bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao. Chúng tôi tác nghiệp trong 4 ngày, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và công an. Ban đầu, bà mẹ rất ngại nên từ chối xuất hiện trước ống kính. Sau khi nghe chúng tôi phân tích, thuyết phục bằng những lời chạm vào đáy lòng, mẹ nạn nhân đồng ý chia sẻ, cảm xúc tuôn trào. Chúng tôi ghi được những hình ảnh chân thật, sinh động. Sau đó, nhờ các hiệp sĩ ở TP Hồ Chí Minh kết nối, người mẹ đã tìm được con mình.
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi gặp một thanh niên quê ở Tuy An, là nạn nhân của bọn lừa đảo việc nhẹ, lương cao. Cậu ấy đã bỏ trốn và được hỗ trợ trở về quê hương. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục nạn nhân xuất hiện trước ống kính và kể về những thủ đoạn của bọn lừa đảo, nhưng rồi cũng thuyết phục được cậu ấy.
Khi thực hiện loạt phóng sự “Sập bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, tôi và đồng nghiệp Đắc Lâm xác định đây là một vấn đề nóng, được xã hội quan tâm. Chúng tôi phải góp phần cảnh báo cho người dân biết được những thủ đoạn của bọn lừa đảo để họ không bị lừa. Trong thời điểm sự việc đang nóng như vậy thì chúng tôi có phóng sự về đề tài đó để cảnh báo cho người dân.
YÊN LAN (thực hiện)