Sau nhiều năm triển khai, Tháng Công nhân đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn, nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của công nhân.
Tháng Công nhân năm 2023 sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, trong đó tổ chức công đoàn chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó đề xuất những chính sách, chế độ phù hợp, hiệu quả.
Người lao động đang chịu nhiều áp lực công việc
Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, do tác động của kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đang theo đuổi mục tiêu tạo ra lợi nhuận cao hơn.
Doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, tổ chức và quản lý sản phẩm, đổi mới công nghệ, phương pháp làm việc, chính sách nhân sự…
GS, TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học An toàn vệ sinh lao động Việt Nam - cho rằng những thay đổi đó dẫn đến cường độ làm việc lớn hơn; khối lượng công việc tăng lên, có tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động, bao gồm rối loạn cơ xương, căng thẳng tâm lý, mệt mỏi và tai nạn, đồng thời là yếu tố làm tăng tình trạng vắng mặt, luân chuyển nhân viên và giảm chất lượng công việc.
Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), một số bệnh nghề nghiệp phát sinh liên quan đến căng thẳng tại nơi làm việc gồm rối loạn về sức khỏe tâm thần, bệnh tim mạch, bệnh đường tiêu hóa, làm trầm trọng hơn các bệnh khác (đái tháo đường, Alzheimer, tốc độ lão hóa của cơ thể, trầm cảm và lo âu)...
Thực tế cho thấy căng thẳng nghề nghiệp không chỉ xảy đến với công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp, mà ngày càng tăng lên với khối lao động trí óc, văn phòng như nhà báo, cán bộ, nhân viên y tế...
Trao quà cho công nhân bị tai nạn lao động tại Bình Dương. Ảnh: TTXVN |
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến stress nghề nghiệp với người lao động trong môi trường kinh tế số, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động Việt Nam - cho biết trong thời gian tới, khoa học, công nghệ và đổi mới đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Chuyển đổi số được thực hiện ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cùng với một loạt vấn đề về môi trường, sức khỏe, khí hậu, an toàn thực phẩm, áp lực công việc, dẫn đến con người dễ bị stress, rối loạn lo âu.
Chuyển đổi số đòi hỏi người lao động phải thích nghi với quá trình mới với nhiều ngành nghề mới, yếu tố mới, trong đó có căng thẳng nghề nghiệp.
Năm 2022, đơn vị thuộc Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của 200 nữ công nhân trong một ngành thâm dụng lao động.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp ở mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong đó, đáng lưu ý là 8,5% lao động có biểu hiện trầm cảm ở mức độ trung bình; 1,5% người có biểu hiện trầm cảm nặng.
Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các chương trình thư giãn cho người lao động như văn nghệ thể thao. Ảnh: TTXVN |
Trong số người có biểu hiện trầm cảm, một số người có ý định gây tổn hại bản thân, nhiều người thường xuyên cảm thấy buồn chán.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc tiếp xúc trực tiếp với người lao động có triệu chứng nhằm áp dụng các giải pháp tư vấn can thiệp, điều trị trong doanh nghiệp còn khó khăn.
Do vậy, Công đoàn nên định kỳ phối hợp với người sử dụng lao động khảo sát thực trạng căng thẳng ở người lao động, qua đó nêu ý kiến với người sử dụng lao động có giải pháp can thiệp, giảm thiểu.
Bên cạnh đó, việc phát triển các dịch vụ tư vấn tâm lý tại nơi làm việc cho người lao động cần được quan tâm hơn.
Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các chương trình thư giãn cho người lao động như văn nghệ thể thao, thành lập các nhóm tư vấn; trước khi người lao động vào làm việc có thể yêu cầu trả lời các câu hỏi đánh giá sức khỏe tâm thần...
Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, căng thẳng tại nơi làm việc sẽ là vấn đề lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc chưa được quan tâm đúng mức.
Với mục tiêu xây dựng môi trường làm việc thân thiện, làm cho người lao động bớt mệt nhọc, Công đoàn cần quan tâm phổ biến kiến thức để các cấp công đoàn nhận thức đúng và đầy đủ về căng thẳng tại nơi làm việc; tham gia xây dựng chế độ, chính sách, nhất là chính sách tiền lương, định mức lao động, đưa nội dung này vào đối thoại, thương lượng; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, để công nhân có đời sống tinh thần vui tươi, thoải mái sau giờ làm việc...
Sau nhiều năm tổ chức, Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Năm 2022, với chủ đề "Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng và tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", các cấp Công đoàn đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, toàn diện cả về vật chất, tinh thần; bảo đảm môi trường làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên, công nhân lao động.
Các cấp Công đoàn đã tổ chức hơn 10.200 cuộc đối thoại, 11.130 hoạt động cảm ơn, thăm hỏi, hỗ trợ, tiếp sức hàng ngàn lượt công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn...
Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 có chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.
Đoàn viên, người lao động tham gia mua sắm vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu được bán ưu đãi giảm giá, mua hàng 0 đồng ở các gian hàng trưng bày tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN |
Trên toàn quốc sẽ diễn ra các hoạt động như: Đối thoại của Hội đồng cấp quốc gia và cấp tỉnh về An toàn, vệ sinh lao động; thăm hỏi nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động...
Tại Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động.
Thủ tướng đề nghị phải tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động; tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ; bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động...
Thủ tướng nhấn mạnh Công đoàn cần tập trung chăm lo, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; nói tiếng nói chân thành của người lao động; phải hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần; phải có quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau...
Theo TTXVN/Vietnam+