Từ năm 1998, ngày 18/4 hàng năm được chọn là ngày Người khuyết tật (NKT) Việt Nam. Đây là ngày cả nước hướng về NKT, khuyến khích sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của NKT vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời huy động sự ủng hộ, thúc đẩy quyền của NKT trong toàn xã hội.
Kỷ niệm 25 năm ngày NKT Việt Nam (18/4/1998-18/4/2023), thời gian qua, các cấp, ngành, hội đoàn thể luôn quan tâm, tạo điều kiện để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Vượt qua nghịch cảnh
Toàn tỉnh hiện có 26.749 NKT, trong đó NKT là nam 13.437 người, nữ 13.312 người. Đối tượng khuyết tật được phân chia theo các dạng tật như sau: Khuyết tật vận động: 11.392 người, khuyết tật nghe nói: 1.941 người, khuyết tật nhìn: 2.620 người, khuyết tật thần kinh: 4.358 người, khuyết tật trí tuệ: 2.061 người và các dạng tật khác: 4.377 người.
Với tình yêu thương, sự cảm thông sâu sắc, Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ em mồ côi tỉnh đã có nhiều việc làm ý nghĩa, đầy tình yêu thương, trở thành điểm tựa cho hơn 19.000 hội viên là NKT và trẻ mồ côi trong tỉnh.
Anh Lê Trung Chánh, 46 tuổi, xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa), bị tai nạn nên khuyết tật chân, đi lại khó khăn. Anh nói: Sau thời gian đau khổ vì tàn tật, giờ đây tôi được hỗ trợ chiếc xe lăn và đi bán vé số. Nhiều lúc nghĩ đời mình coi như xong, nhưng được các cán bộ xã hội động viên, trợ giúp, tư vấn…, tôi yên tâm đi bán vé số để kiếm sống qua ngày. Với tôi bây giờ, sống mạnh khỏe, bình yên là đủ rồi”.
Mới nhận phần quà từ Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ em mồ côi tỉnh trao tặng, em Huỳnh Thế Nhã, 14 tuổi, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), bị khuyết tật mắt, nói: Em rất biết ơn mọi người đã quan tâm đến các đối tượng bị khuyết tật như em. Tuy nhìn không rõ nhưng em luôn cố gắng chăm chỉ học hành để làm con ngoan, trò giỏi.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệm, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ em mồ côi tỉnh, cho biết: Đa số NKT đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Hội đã chủ động phối hợp với các ban ngành, hội đoàn thể triển khai nhiều hoạt động trực tiếp giúp NKT như: phẫu thuật chỉnh hình, mổ tim bẩm sinh, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và tư vấn giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho NKT. Trong năm 2022, hội đã vận động hơn 9 tỉ đồng để giúp triển khai các chương trình trợ giúp NKT, trẻ em mồ côi trong tỉnh như: khám và phẫu thuật tim miễn phí cho 7 bệnh nhi; phẫu thuật mặt cho 15 em; hỗ trợ xây dựng 20 căn nhà cho hộ nghèo có NKT; cấp 54 xe lăn, xe lắc…
Hiện Hội Người mù tỉnh cũng có hơn 1.140 hội viên. Ông Trần Văn Thống, Chủ tịch Hội Người mù, cho biết: Với tôn chỉ hoạt động “tàn nhưng không phế”, Hội Người mù tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và người khiếm thị trên địa bàn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, giảm bớt phụ thuộc vào gia đình và cộng đồng, tham gia lao động sản xuất theo khả năng.
Ông Phan Ngọc Tuấn, xã An Dân (huyện Tuy An) có bệnh ở đôi mắt, sau thời gian chữa trị nhưng không hết, đôi mắt ông mờ dần rồi không còn nhìn thấy ánh sáng. Ông chia sẻ: Mất đi đôi mắt, cả thế giới như sụp đổ. Gia cảnh nghèo khó, nên tôi phải lần mò tự làm mọi việc và trăn trở tìm hướng làm ăn để thoát nghèo. Nhờ được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để chăn nuôi bò với lãi suất thấp, gia đình tôi có công việc để làm. Nhờ chăm chỉ chăn nuôi nên vài năm bò đẻ ra bê, từ đó có tiền trang trải cuộc sống. “Ông trời lấy đi đôi mắt nhưng tôi còn có đôi bàn tay, cùng gia đình tần tảo để chăn nuôi, sản xuất, nhờ đó đời sống đỡ vất vả hơn”.
Cải thiện chất lượng sống của NKT
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe, trợ giúp NKT học nghề, hưởng các chính sách, giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với NKT; xác định mức độ khuyết tật. Đồng thời, sở còn phối hợp các ngành tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ NKT như: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trẻ khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch; cấp thẻ BHYT; cấp xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình, dạy nghề miễn phí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí… Nhờ đó, nhiều NKT đã có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Chị Trần Thị Thảo ở thôn Đông Bình, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) mắc bệnh hiểm nghèo từ nhỏ. Dù không nói được nhưng chị vẫn nhanh nhẹn, làm việc gọn gàng. Từ tháng 7/2019, chị được Nhà nước hỗ trợ học nghề may miễn phí tại cơ sở gần nhà. Từ chỗ không biết gì, nhờ chăm chỉ, chịu khó cùng với sự hướng dẫn tận tình của chủ cơ sở may, chị Thảo may đồ bộ đẹp nên được nhiều chị em đến ủng hộ.
“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả đề án Trợ giúp NKT tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu là cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; hỗ trợ họ phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết.
Tỉnh Phú Yên phấn đấu từ nay đến năm 2025, hàng năm có khoảng 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. 90% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. Tỉ lệ NKT được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 50% tỉ lệ chung cả nước. |
KIM CHI