Qua một tháng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” tại các khoa Sản, Nhi, Nội của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã góp phần rất lớn vào việc chuyển giao kỹ thuật trong khám và điều trị cho đội ngũ y bác sĩ tại đây.
Thạc sĩ Phạm Quang Tuấn chuyển giao công nghệ cho bác sĩ khoa Nội về phương pháp chạy điện tim gắng sức - Ảnh: T.THỦY |
CỨU SỐNG NHIỀU TRƯỜNG HỢP NGUY CẤP
Ngay hôm đầu tiên nhận công tác, tiến sĩ Châu Khắc Tú đã trực tiếp mổ cấp cứu, cứu sống sản phụ K (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) trong tình trạng nguy cấp. Tiếp đó, anh cứu sống hai sản phụ trong tình trạng tắc mạch ối và tiền sản giật. Theo các bác sĩ khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cả 3 trường hợp được cứu sống nhờ sự hỗ trợ của tiến sĩ Tú là những trường hợp hy hữu. Trong đó, tắc mạch ối rất hiếm gặp trong sản khoa, tỉ lệ tử vong trên 90%, tiền sản giật (hội chứng Hellps) là bệnh lý nặng, tỉ lệ tử vong sản phụ 20%.
Tại khoa Nhi, thạc sĩ Phan Huy Thuấn áp dụng phác đồ mới tiên tiến, từng thực hiện thành công ở Bệnh viện Trung ương Huế như điều trị suy hô hấp do viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng trên bệnh nhân suy tim. Bác sĩ Thuấn đã cấp cứu thành công 3 trường hợp nhũ nhi bệnh nặng (viêm phổi nặng/tim bẩm sinh, viêm phổi nặng/tim bẩm sinh/đao), giành giật lại sự sống cho các em. Theo bác sĩ Trần Thị Đào, Phó khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, việc học và áp dụng cấp cứu những trường hợp suy hô hấp cấp, khó thở độ III của bác sĩ Thuấn là thành công lớn của khoa.
Bác sĩ trẻ Phạm Quang Tuấn về hỗ trợ tại khoa Nội, phát huy thế mạnh của mình trong thực hiện trắc nghiệm gắng sức bằng xe đạp. Theo bác sĩ Tuấn, thực hiện phương pháp này phát hiện được bệnh lý tim mạch vành; bệnh lý rối loạn nhịp hoặc có những bệnh có khả năng do tim gây đột tử. Theo dõi 25 ca chạy điện tim gắng sức, bác sĩ Tuấn phát hiện có 4 ca dương tính, 1 ca chuyển để chụp mạch vành. Đặc biệt, phát hiện 1 ca rối loạn được xác định tổn thương nặng nề về các nhánh động mạch vành, đã chuyển về chờ mổ ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Thạc sĩ Phan Huy Thuấn khám bệnh cho trẻ tại phòng cấp cứu nhi - Ảnh: T.THỦY |
“CẦM
Theo tiến sĩ Châu Khắc Tú, quy trình điều trị tại khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chưa được chuẩn, nhất là kỹ thuật mổ. Trong thời gian công tác, tiến sĩ Tú đã giúp khoa Sản triển khai kinh nghiệm mổ nhanh, kỹ thuật mới về mổ lấy thai tiết kiệm máu, sa sinh dục, soi cổ tử cung, làm xét nghiệm tế bào âm đạo. Trực tiếp điều trị và “cầm tay chỉ việc” tiền sản giật, chẩn đoán sớm ung thư, cấp cứu sản khoa trong thuyên tắc mạch ối. Tiến sĩ đưa ra phác đồ mới trong điều trị dọa sinh non mà ở Phú Yên chưa áp dụng. Đây là phương pháp giúp các bà mẹ giữ thai trong bụng mẹ lâu hơn đến khi thai đủ tháng mới sinh, giảm tình trạng trẻ bị sinh non, nhẹ ký.
Phòng cấp cứu Nhi của bệnh viện vừa mới triển khai. Sự tham gia của bác sĩ Phan Huy Thuấn là rất cần thiết trong thời gian qua. Trước tinh thần phối hợp cộng tác, cầu thị học hỏi của các bác sĩ và điều dưỡng khoa Nhi, bác sĩ Thuấn truyền đạt những kiến thức cấp cứu trên thực tế lâm sàng với tinh thần trách nhiệm cao. Thạc sĩ Thuấn cho rằng: “Khả năng trong 6 tháng thì các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên sẽ thành thạo trong theo dõi cấp cứu bệnh, tiến tới mở rộng cấp cứu được hầu hết trường hợp bệnh nhi nguy cấp”. Bác sĩ Trần Thị Đào, Phó khoa Nhi phấn khởi: “Các bác sĩ ở khoa học hỏi được nhiều từ phác đồ điều trị của thạc sĩ Thuấn. Vận hành của cấp cứu bệnh nhi có bước tiến bộ rõ rệt,Ggàn đây cấp cứu thành công nhiều ca viêm phổi nhũ nhi mà trước đó phải chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị”.
Trong nhiệm vụ của mình, bác sĩ Phạm Quang Tuấn truyền đạt kinh nghiệm cho bác sĩ Trần Minh Phụng và bác sĩ Lương Tấn Thoại về cấp cứu nội tim mạch. Máy chạy điện tim gắng sức đã có 10 năm tại bệnh viện, nhưng thầy thuốc ở đây chưa mạnh dạn triển khai ứng dụng phương pháp áp dụng và cách đánh giá chưa hiệu quả. Bác sĩ Tuấn giúp theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, bước đầu đem lại hiệu quả. Ngoài ra, bác sĩ Tuấn triển khai một số thủ thuật tại khoa Nội như xóa rối loạn nhịp tim bằng thuốc, chọc tháo dịch màng tim, xây dựng thêm một số phác đồ cấp cứu rối loạn nhịp cơ bản. Theo bác sĩ Tuấn, 2 bác sĩ của khoa Nội có thể tự làm độc lập, cấp cứu bệnh nhân mà không phải đến khoa hồi sức.
Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên: Việc luân phiên bác sĩ từ Bệnh viện Trung ương Huế về hỗ trợ tại đơn vị có ý nghĩa quan trọng, tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bước đầu cải thiện trình độ chuyên môn, các dịch vụ y tế có chất lượng cao tại bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tại địa phương. Thực tế qua một tháng công tác, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã chuyển giao được nhiều công nghệ thiết thực trong khám và điều trị bệnh.
THU THỦY