Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh (CVĐ) tại hội nghị ban chỉ đạo và triển khai một số nội dung liên quan đến thực hiện CVĐ năm 2023 đến các cơ quan, đơn vị, sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Ngọc Hoa phát biểu góp ý tại hội nghị Ban Chỉ đạo CVĐ. Ảnh: THÚY HẰNG |
Phân công nhiệm vụ cụ thể
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ trong tình hình mới, hầu hết sở, ban ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh và ban chỉ đạo CVĐ các huyện, thị xã, thành phố đều đã xây dựng kế hoạch triển khai CVĐ gắn với nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng và địa bàn dân cư. Tâm lý người dân có sự thay đổi trong nhận thức khi mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, song vẫn còn một bộ phận có tư tưởng sính hàng ngoại, chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, sản phẩm Việt…
Để lan tỏa hơn nữa tinh thần người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, năm 2023, bên cạnh kiện toàn Ban Chỉ đạo CVĐ, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo CVĐ, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ, việc triển khai nội dung thực hiện CVĐ được Ban Chỉ đạo CVĐ chú trọng thông qua phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thông qua các hội nghị giao ban báo chí, hội nghị báo cáo viên, báo cáo thời sự, báo cáo chuyên đề, các lớp tập huấn lồng ghép các nội dung trong các chỉ thị, nghị quyết về CVĐ để truyền đạt cho các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh và hội viên Câu lạc bộ Thời sự tỉnh.
Đối với Ban Dân vận Tỉnh ủy, bà Lê Thị Ngọc Hoa, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy thống nhất cao với nhiệm vụ được giao, đó là lắng nghe tâm tư, ý kiến của người dân, người tiêu dùng để kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ người dân, người tiêu dùng.
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thì tổ chức thực hiện CVĐ gắn với các chương trình, hoạt động, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức nhằm vận động đoàn viên, hội viên, người lao động thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tạo ra sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên, hội viên, người lao động có cơ hội tiếp cận, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp trong nước. Các tổ chức chính trị - xã hội nêu cao trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội; vận động người dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…
Tránh mạnh ai nấy làm
Bên cạnh giao và nhận nhiệm vụ, tại hội nghị, các đại biểu còn tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong thực hiện CVĐ. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để tiếp tục thực hiện hiệu quả CVĐ trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Tri Phương nêu: Hiện nay, các mô hình nhận diện hàng Việt Nam chưa phổ biến, các tiêu chí hàng Việt Nam chưa cụ thể hóa, công bố rõ ràng, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, do đó người tiêu dùng khó phân biệt để ưu tiên sử dụng. Điều này cũng làm khó cho các sở, ban ngành trong quá trình vận động. Cũng theo ông Phương, Sở NN-PTNT có thể tuyên truyền sử dụng hàng Việt tất cả sản phẩm nông nghiệp chứ không chỉ là sản phẩm OCOP như ban chỉ đạo đã giao.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương thì đề nghị: Lâu nay chúng ta tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt chứ chưa tiến hành khảo sát đánh giá nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong khi đây là vấn đề rất cần thiết để chúng ta nắm lại tỉ lệ cụ thể người dân sử dụng hàng Việt, từ đó có những định hướng để triển khai CVĐ.
Cùng với tiếp thu những ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị từng thành viên ban chỉ đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong thực hiện các nội dung CVĐ và lựa chọn, đăng ký nội dung trọng tâm, đột phá để tập trung phối hợp chỉ đạo, thực hiện CVĐ theo hướng đổi mới, thiết thực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tránh mạnh ai nấy làm. Các cơ quan, đơn vị chú trọng tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thương hiệu của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP; nhân rộng điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” tại các địa phương; tổ chức tốt các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các tổ liên ngành cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết đấu tranh phòng chống, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
THÚY HẰNG