Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc, tuy bình dị, mộc mạc nhưng ở các bà, các chị đều toát lên ý chí vượt gian khó, tràn đầy khát vọng cống hiến. Họ là những bông hoa đẹp, góp phần tô thắm cho bức tranh cuộc sống muôn màu.
Bà Trần Thị Hồng Thái. Ảnh: THÁI HÀ |
Việc đúng phải nói, việc đáng phải làm
Tôi đến thăm bà Trần Thị Hồng Thái (phường 9, TP Tuy Hòa) vào những ngày cuối tháng 2. Ở tuổi ngoài 70, trông bà vẫn nhanh nhẹn và trong công việc có phần sắc sảo.
Bà than phiền về việc hàng xóm không đào hầm rút để nước thải sinh hoạt, nước tiệm gội đầu chảy tràn ra ngoài đường, bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống bà con. Bà đã nhắc nhở nhiều lần và khi tôi đến thì người trong gia đình kia đang kéo tới lớn tiếng la lối, đe dọa bà. Tôi hỏi bà ở một mình, lại lớn tuổi không sợ va chạm hay sao thì bà cười nói đó là ý kiến của hàng xóm, mọi người thấy khó chịu, phản ánh lên thì bà có trách nhiệm phải nhắc nhở.
Bà bảo, sự cứng cỏi ấy một phần do bà là cựu chiến binh, từ nhỏ đã theo cha lên núi tham gia cách mạng. Những năm tháng ác liệt trong chiến tranh, bà từng đi qua ranh giới giữa sự sống và cái chết để nhìn thấy hòa bình tưng bừng trên quê hương trong khi nhiều đồng đội của bà ngã xuống cách độc lập chỉ có 2 ngày. Với bao điều đã đi qua ấy, giờ những việc khác có gì mà sợ hãi. Cho nên việc đúng thì bà phải nói, việc đáng thì phải làm, phải đấu tranh tới cùng.
Sau thống nhất, bà Thái nhận công tác ở Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, sau đó là Công ty Xây dựng Phú Yên. Bà có mối tình đầu thuở đôi mươi nhưng không may người này mất sớm, quen thêm người nữa thì người này cũng hy sinh. Sau này cũng có mở lòng nhưng không tìm được người phù hợp, bà không lập gia đình mà dành thời gian cho công việc và về hưu năm 2004 khi công ty tiến hành cổ phần hóa. Đến năm 2015, bà Thái tham gia công tác ở địa phương với cương vị Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố Phước Hậu 2, phường 9, TP Tuy Hòa.
Nói về những đóng góp của bà Thái, ông Ngô Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 9, cho biết bà là một người phụ nữ mạnh mẽ, sẵn sàng góp ý phản biện xã hội, luôn gương mẫu, hoàn thành mọi nhiệm vụ nhưng bà cũng là người giàu tình cảm, yêu thương đồng chí, đồng đội. Dù ở cương vị công tác nào, bà Thái cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; góp phần đưa Chi hội Cựu chiến binh khu phố Phước Hậu 2 nhiều năm đạt danh hiệu tiêu biểu. Hơn 70 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, sức khỏe đã giảm nhưng bà Thái vẫn có những đóng góp tích cực trong xây dựng chi hội, thúc đẩy phong trào đời sống văn hóa ở cơ sở, xứng đáng là tấm gương để thế hệ con cháu noi theo, học tập.
Chị Lê Thị Trọng cùng chồng làm việc tại xưởng may. Ảnh: THÁI HÀ |
Làm chủ là cơ hội để cho đi nhiều hơn
Tháng 10/2022, chị Lê Thị Trọng, chủ 3 xưởng may ở thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa vinh dự nhận bằng khen của Hội LHPN tỉnh vì có thành tích xuất sắc 5 năm thực hiện đề án Tuyên truyền giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2017-2027. Cũng năm này, chị nhận giấy khen của UBND xã An Thạch (huyện Tuy An) vì thành tích xuất sắc trong hoạt động kêu gọi ủng hộ xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; được MTTQ xã Hòa Mỹ Đông, Hội LHPN xã Hòa Mỹ Đông ghi nhận tấm lòng vàng vì có nhiều đóng góp trong công tác thiện nguyện cho người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19… Giỏi giang trong làm kinh tế và biết sẻ chia với cộng đồng, chị đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, mắc bệnh hiểm nghèo có điều kiện vươn lên.
Tại xưởng may của chị Trọng, ai cũng biết chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Phú Thuận mắc bệnh tâm thần, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng khi được chị Trọng tạo điều kiện làm việc, bệnh tình thuyên giảm hẳn và chị Hà có thu nhập ổn định. Hay chị Trần Thị Thu Sang ở thôn Phú Nhiêu bị ung thư tuyến giáp cũng được chị Trọng giúp đỡ vật chất, sau đó về làm việc tại xưởng may. Sau những đợt xạ trị, bệnh tình của chị Sang dần ổn định. Với thu nhập khoảng 13 triệu đồng mỗi tháng, chị Sang có thể lo cho con cái, mua thuốc điều trị.
Chia sẻ về công việc của mình, chị Trọng cho biết: Tôi từng làm công, hiểu rõ nỗi khổ của người làm công nên khi trở thành chủ, tôi mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ nhiều người khác, mà thiết thực nhất là giúp đỡ chị em xung quanh mình, hàng xóm mình, làng xã mình và khi có điều kiện thì tôi giúp đỡ những người ở xa hơn. Tôi luôn tâm niệm rằng, nếu mình làm chủ mà có được chén cơm thì cũng muốn mọi người có được chén cháo nên cố gắng cho đi thật nhiều trong điều kiện có thể. Tình cảm cho đi sẽ được nhận lại nên các chị cũng gắn bó, giúp công việc của tôi thuận lợi hơn.
Chị Nguyễn Thị Thùy Tiên. Ảnh: THÁI HÀ |
Góp sức mình lan tỏa yêu thương
Trên Báo Phú Yên ngày 9/4/2019 từng có bài viết: “Xương rồng nở hoa trên cát”, viết về anh Hà Ðức Thống - một người đàn ông giàu nghị lực, dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn tha thiết sống và lan tỏa tình yêu, sự sẻ chia của mình đến với cộng đồng. Bài viết cũng nhắc đến vợ anh, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, quê TX Bình Minh, tỉnh Cần Thơ đồng hành cùng anh trong những ngày ốm đau, bệnh tật. 4 năm sau ngày anh Thống mất, chị Tiên vẫn chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng tại xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa và hoạt động tại Hội Thiện nguyện Đom đóm Phú Yên.
Những năm qua, chị đi khắp nơi để đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại chị Tiên làm các món chay để bán, nhận nấu chay cho các đám tiệc, lo cho cuộc sống. Mỗi tuần, chị tham gia nấu cơm tại quán chay xã hội 0 đồng Tâm An (TP Tuy Hòa) 1 ngày. Thời gian còn lại, chị cùng nhóm thiện nguyện đi thăm và trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tiệc buffet cho trẻ em vùng cao; tham gia hành trình chia sẻ tết yêu thương khắp các nẻo miền quê... Với chị Tiên, được sẻ chia với bà con khó khăn, được thấy ai ai cũng hạnh phúc, bình an là chị vui và hạnh phúc theo.
Ông Lê Thoại Kỳ, Chủ tịch Hội Thiện nguyện Đom đóm Phú Yên, cho biết: Chị Tiên là hội viên đặc biệt. Chị lớn tuổi, hoàn cảnh riêng còn nhiều khó khăn, không biết đi xe đạp, xe máy nhưng luôn là người xung phong tham gia các hoạt động tình nguyện trong và ngoài tỉnh. Đôi khi nhận trách nhiệm đầu bếp của quán chay, nhưng vì khó khăn về mặt đi lại nên chị ngủ lại quán để dậy nấu từ 3 giờ sáng. Chị tham gia nhiệt tình các hoạt động của hội, tính tình vui vẻ, quan tâm đến mọi người nên được các thành viên yêu mến.
Hy sinh cái riêng, không ngại đấu tranh cho điều đúng thì cái chung mới trọn vẹn. Nghĩ vậy nên tôi cứ nhiệt thành hết mình, hy sinh một chút để hoàn thành nhiệm vụ, để mọi người vui vẻ hơn.
Bà Trần Thị Hồng Thái |
THÁI HÀ