Thứ Tư, 02/10/2024 15:25 CH
Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Sáu, 26/09/2008 10:45 SA

Làm sao dân làng có thể áp dụng khoa học kỹ thuật khi mà cái chữ trong bụng còn ít ỏi? Làm sao họ có thể sản xuất hàng hóa quy mô khi mà tập quán sản xuất tự cung tự cấp vẫn còn? Làm sao họ có thể thoát nghèo khi vẫn còn sinh đông con trong cảnh thiếu vốn, thiếu phương tiện làm ăn?

 

NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP THIẾT

 

tre-em-mien-nui-080926.gif

Nước sạch về buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) - Ảnh: T.THỦY

 

Trong những năm qua, Chương trình 135-Phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa ở Phú Yên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, chương trình đã đưa được 6 xã Xuân Lãnh, Đa Lộc (Đồng Xuân), Ea Bar (Sông Hinh), Suối Trai, Ea Chàrang và Sơn Xuân (Sơn Hòa) ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Năng lực sản xuất của đồng bào các dân tộc đã chuyển biến tích cực, đời sống được cải thiện. Đặc biệt, những khó khăn, bức xúc về đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục bước đầu đã được giải quyết.

 

Tuy nhiên, Chương trình 135 còn thiên về đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng nâng cao kiến thức của người dân để họ áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nhằm phát triển kinh tế gia đình, thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nuôi con khỏe dạy con ngoan, ăn ở hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe, cho con em đến trường học hành đến nơi đến chốn… Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học ở miền núi còn cao. Tình trạng hữu sinh vô dưỡng, đông con… đã làm cản trở sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa…

 

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Yên, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện nhiều dự án, chương trình để phát triển các xã thuộc Chương trình 135, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì các dự án, chương trình này vẫn còn mang tính đơn lẻ mà chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách toàn diện về cách làm ăn để phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, không để trẻ em trong độ tuổi đi học phải bỏ học… là những yêu cầu cấp bách để góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

 

MÔ HÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

 

Với kinh nghiệm thực hiện dự án “Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững thông qua hoạt động tín dụng-tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình” trong 5 năm qua tại các xã thuộc Chương trình 135, ngành Dân số Phú Yên đã đề xuất mô hình “Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi tỉnh Phú Yên”. Theo đó, mục tiêu đặt ra là: cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật về cây trồng vật nuôi phù hợp cho từng vùng, kiến thức về DS-KHHGĐ, cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cách sinh sống hợp vệ sinh đảm bảo sức khỏe cho từng thành viên gia đình và cho cộng đồng, không để trẻ em bỏ học… Thông qua sinh hoạt của Nhóm giúp nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, các chuyên gia về nông nghiệp, y tế sẽ tuyên truyền vận động các gia đình thực hiện chính sách liên quan đến DS-KHHGĐ, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe gia đình, cách nuôi dạy con cái, chăm sóc người già, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật về cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập. Các thành viên của gia đình tham gia nhóm sẽ được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và KHHGĐ. Ban quản lý nhóm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân xã để các hộ gia đình thành viên nhóm được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong các hoạt động lồng ghép DS-KHHGĐ với nâng cao phúc lợi gia đình, hỗ trợ các gia đình cải thiện đời sống, tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục

 

Hiệu quả đầu tư trực tiếp sẽ góp phần cải thiện kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, cá nhân. Bởi, các thành viên nhóm không những được cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe, DS-KHHGĐ, thông tin về khoa học kỹ thuật, công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến mà còn được hướng dẫn để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, đa dạng hóa các nguồn thu nhập, hình thành thói quen tiết kiệm và có ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Các gia đình thành viên nhóm đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Hiệu quả của mô hình không chỉ giới hạn ở việc trực tiếp cải thiện đời sống, chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo, mà còn góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và cộng đồng, tạo cho họ niềm tin và khả năng tổ chức thực hiện các hoạt động tập thể. Như vậy, việc nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc Chương trình 135 là nền tảng vững chắc cho công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng tại các địa phương này.

 

Mô hình này do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, các cơ quan phối hợp là Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND các huyện cùng thực hiện. Nếu các ngành các cấp phát huy tính tích cực, sáng tạo thì mô hình sẽ mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh.q

Th.s ĐỖ THỊ NHƯ MAI

(Chi cục Dân số - KHHGĐ Phú Yên)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek