Chơi hoa và cây cảnh ngày tết thường không phân biệt giàu nghèo, miễn là có thời gian, công sức và đặc biệt là phải có sự đam mê.
Thú chơi tao nhã
Mỗi khi tết đến xuân về, mỗi nhà đều có chậu hoa hay cây cảnh để chơi tết. Người miền Bắc thích cành đào cắm trong bình sứ Tràng An, báo hiệu mùa xuân về đầy ước mơ. Người miền Trung lại thích chậu mai vàng đem lại mùa xuân an lành và hy vọng. Người Nam Bộ lại thích chậu quất để thể hiện sự vinh hoa phú quý.
Thú chơi hoa được thể hiện trên sắc và hương của các loài hoa. Hoa màu trắng biểu trưng cho sự đơn sơ, thanh khiết; hoa màu tím thể hiện sự nhớ nhung, lãng mạn và trang trọng; hoa màu vàng thể hiện sự rực rỡ, sung túc và đem lại cơ may; hoa màu hồng thể hiện sự nồng nàn, thơ ngây; hoa màu đỏ mang tinh thần nồng cháy, sôi nổi...
Còn thú chơi cây cảnh (chậu cạn) có từ xa xưa cho giới quý tộc. Ở Trung Hoa gọi là bồn tài thu nhỏ, sau này du nhập sang Nhật Bản và gọi là bonsai. Theo truyền thống, bonsai có 4 dáng (thế), là dáng trực (thẳng đứng) thể hiện tính quân tử; dáng nghiêng tượng trưng cho vũ nhân; dáng huyền (thác đổ) thể hiện sự mạnh mẽ, vươn lên; còn dáng hoành (dáng bay) là sự lả lướt. Ngoài 4 dáng trên, các nghệ nhân bonsai còn tạo ra nhiều dáng kỳ dị và cổ quái theo sở thích như: Cây khế có dáng thiên long vũ hội; cây sanh có thế độc long kim cương; cây bồ đề có dáng thuyền rồng.
Một chậu bonsai đẹp phải đạt 5 tiêu chí, đó là tán cây (chi cành) phải già dặn theo thời gian; thân cây đầu voi đuôi tý; bộ rễ của cây phải to, trải đều và lan tỏa; chủ đề phải phù hợp với tác phẩm, ký thác được tư duy của tác giả; cuối cùng là sự phù hợp về tổng thể giữa cây và chậu.
Cây bonsai có thể săn từ núi rừng về hoặc trồng và chăm sóc từ nhỏ. Có những chậu bonsai hàng trăm năm tuổi; nghệ nhân phải biết được bệnh của cây để chữa trị, nuôi dưỡng, cắt tỉa, tạo dáng, thổi hồn vào cây. Mỗi chậu bonsai đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, được ví như một bản nhạc hay, giá trị của cây bonsai tùy thuộc vào độ chơi giữa người mua và người bán.
Không phân biệt giàu nghèo
Những người chơi hoa và cây cảnh thường đủ các thành phần, không phân biệt giàu nghèo, miễn là có đam mê. Ban đầu là thú chơi cá nhân, sau đó những người chơi tập hợp lại thành Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh). Mỗi khi tết đến xuân về, Hội SVC tỉnh lại tổ chức thi hoa và cây cảnh. Nghệ nhân nào được nhận giải là một niềm tự hào về quá trình lao động nghệ thuật của mình trong năm, đồng thời làm tăng thêm giá trị của tác phẩm.
Theo nghệ nhân Đặng Thái Hiền, hội viên Hội SVC tỉnh, tại Phú Yên, cây thủy hành (cây sam), cây hải châu (vảy ốc), cây linh sam (ba chia) là ăn khách. Hiện nay có nhiều loại cây từ nước ngoài nhập vào, với kỹ thuật chăm sóc, cấy ghép tạo ra nhiều giống cây mới như cây tùng Nhật (duyên tùng); cây tùng kim cương (tùng Đài Loan), chỉ có cây tùng La Hán là không cấy ghép được.
Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội SVC tỉnh cho biết: Hội SVC đã nhiều lần tham gia triển lãm Festival hoa Đà Lạt, hội Hoa xuân TP Hồ Chí Minh, TP Nha Trang, đặc biệt tham gia triển lãm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2011). Trong năm 2022, hội tổ chức triển lãm hoa, cây cảnh nhân dịp ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1/7) tại Bảo tàng tỉnh, cùng sự tham gia của nhiều nhà vườn trong và ngoài tỉnh như Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa. Nhiều cây cảnh tuyệt đẹp, giá trị cao, thu hút đông đảo người dân, khách du lịch, check-in, học hỏi và mua bán. Xuân Quý Mão 2023, Hội SVC tỉnh cũng vận động các nhà vườn tham gia hội Hoa xuân ở công viên Diên Hồng cũng như tổ chức thi hoa và cây cảnh tại sân Bảo tàng tỉnh.
HOÀNG XUÂN THƯỞNG