Tỉ số giới tính khi sinh hiện nay của tỉnh đang ở mức cho phép nhưng đã có xu hướng tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Vì vậy, ngành Dân số Phú Yên đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng này tại địa phương, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên 103-105 trẻ trai/100 trẻ em gái.
Vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ
Xã hội ngày nay ít nhiều vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến và Nho giáo. Đâu đó vẫn còn cho rằng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa là một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có, thể hiện sự coi trọng con trai hơn con gái. Dù biết tư tưởng này ngày nay không còn phù hợp nhưng nhiều gia đình vẫn mong muốn sinh được con trai để có người tiếp nối hương hỏa, nối dõi tông đường.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49 và đến năm 2059, con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỉ số giới tính khi sinh không giảm. |
10 năm trước, chị N.T.T (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) sinh đứa con đầu tiên là con gái. Dù rất vui mừng chào đón con đầu lòng nhưng chị T bắt đầu thấy áp lực vì chị buộc phải sinh thêm để có con trai. Đến lần mang thai thứ hai, khi biết sẽ tiếp tục sinh đôi con gái, cả gia đình đều thất vọng. Riêng chị T, sức khỏe yếu cộng với áp lực trong quá trình mang thai nên chị sinh non, hai bé phải nằm viện theo dõi hơn 1 tháng mới được về nhà. Dù gia đình chị T không khá giả, chồng làm nghề lái xe tải đường dài, hay bia rượu; bản thân chị T cũng chỉ mở một quán tạp hóa nhỏ tại nhà, thu nhập chỉ đủ đắp đổi nhưng khi các con gái vào tiểu học, chị T vẫn quyết định sinh thêm con. Và lần này, chị T sinh được con trai.
Chị T chia sẻ: “Chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà, dưới có 2 em gái nên từ khi lập gia đình, tôi đã rất áp lực việc sinh con để nối dõi tông đường. Khi sinh đôi hai đứa sau, ông bà chỉ hỗ trợ thời gian các con nằm viện, tôi thấy vất vả quá không định sinh nữa nhưng ông nội các cháu nhiều lần góp ý phải sinh thêm con. Còn chồng tôi khi có chén rượu vào thì la mắng, đập phá đồ đạc, gây áp lực. Tôi cũng nghĩ nhà chỉ có mỗi chồng, cũng cố gắng hết lần này mặc dù biết rằng thời nay, để nuôi 4 đứa con đủ đầy là không dễ”.
Theo BSCKI Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGD tỉnh, hiện nay, tỉ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ở mức 109 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống, đạt mục tiêu đề ra nhưng chênh lệch vẫn ở mức cao. Thực tế còn rất nhiều gia đình vẫn còn nặng nề vấn đề sinh con trai để nối dõi tông đường nên khi sinh hai bé đầu là bé gái, họ sẽ tiếp tục sinh bé tiếp theo để mong có con trai. Việc MCBGTKS dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn, từ đó làm tan vỡ cấu trúc gia đình.
Tăng cường thực hiện các giải pháp
Hiện nay, truyền thông vẫn được coi là giải pháp căn cơ để đẩy lùi tư tưởng trọng nam khinh nữ, qua đó giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Với nhiều hoạt động và hình thức đa dạng, phong phú, mở rộng đối tượng, truyền thông giúp người dân hiểu về hậu quả, hệ lụy của việc MCBGTKS.
Xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), một trong những địa phương tích cực trong công tác tuyên truyền, góp phần cải thiện chất lượng dân số. Chị Lê Thị Thanh Tịnh, cán bộ Đài Truyền thanh - dân số - gia đình và trẻ em xã Xuân Quang 2 chia sẻ: “Mặc dù kinh phí cho hoạt động tuyên truyền còn hạn hẹp nhưng đội ngũ cộng tác Viên tâm huyết, nhiệt tình theo phương châm mưa dầm thấm lâu nên công tác DS-KHHGĐ ngày càng chuyển biến tích cực. Thông qua hệ thống loa phát thanh ở xã, các ngày lễ kỷ niệm, lực lượng cộng tác viên ở thôn linh hoạt lồng ghép tuyên truyền về những hậu quả và hệ lụy của việc MCBGTKS giúp người dân hiểu được chính sách về công tác dân số. Lực lượng cộng tác viên dân số cũng thường xuyên đến tận nhà tuyên truyền cho các chị em hiểu được sinh con trai hay con gái không quan trọng bằng việc nuôi dạy tốt nên các gia đình trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh, việc sinh con thứ ba cũng rất hạn chế”.
Ông Đặng Ngọc Thanh, Trưởng phòng Dân số - Y tế cơ sở Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân cho biết, từ năm 2020 trở về trước, khi Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phân bổ kinh phí về, trung tâm DS-KHHGĐ huyện tổ chức mỗi năm 6-7 đợt truyền thông trực tiếp đến các đối tượng đích là những người trong độ tuổi sinh sản, người đã sinh được 1 con, chuẩn bị sinh con thứ hai ở tận thôn, buôn, khu phố. Từ năm 2021, khi sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ vào trung tâm y tế huyện, do khó khăn về kinh phí nên các đợt truyền thông trực tiếp có phần hạn chế. Dù vậy, huyện cũng đã tổ chức 2 đợt truyền thông giáo dục về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, MCBGTKS cho vị thành niên, thanh niên và nam, nữ chuẩn bị kết hôn nhằm chung tay giảm thiểu MCBGTKS.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương cho biết: Thời gian qua, chi cục đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số nhằm trang bị kiến thức cần thiết về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới tính khi sinh, hậu quả của việc MCBGTKS; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp Nhân dân chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các quy định của pháp luật; vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái... từng bước ổn định, nâng cao chất lượng dân số; khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên.
THÁI HÀ