Xóm chợ Đồng Thành (thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) có 50 gia đình thì hơn nửa không có bóng đàn ông. Vượt lên những thiệt thòi, nghiệt ngã của số phận, những phụ nữ ở đây đã đưa gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Những người phụ nữ xóm chợ Đồng Thành - Ảnh: H.NAM |
Bà Đàm Thị Thu, 56 tuổi, ở xóm chợ Đồng Thành kể chuyện đời mình: 17 tuổi thoát ly tham gia cách mạng, sau ngày đất nước thống nhất, bà trở về quê và mới nghĩ đến chuyện kiếm đứa con để nhờ cậy lúc tuổi già. Hai đứa con lần lượt ra đời; nỗi vất vả của người mẹ đơn thân không sao kể xiết! Bà nhớ lại: “Lúc con còn nhỏ, bệnh đau, một mình tôi thức chăm sóc con. Hàng xóm nhìn tôi bằng nửa con mắt, bảo sướng không muốn, muốn khổ. Con lớn dần lên, một mình tôi làm lụng nuôi chúng ăn học”. Hai con của bà giờ đã trưởng thành, lập gia đình. Năm ngoái, khi con gái bà sắp lấy chồng, thì người cha ruột sống cùng xóm đã nhận con, sau đó làm chủ hôn cho con. Bà Thu vui lắm. Bà tâm sự: “Tôi không muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình người ta vì ông ấy còn có vợ con, nên tôi giấu kín mọi chuyện từ đó đến giờ. Từ nhỏ, đứa con gái là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi, giờ đây tôi càng hạnh phúc hơn vì con gái tôi đã có cha”.
Hàng xóm của bà Thu là bà Huỳnh Thị Xuân, 58 tuổi, cũng là một phụ nữ đơn thân. Trong căn nhà nhỏ của bà Xuân, tấm bằng Gia đình vẻ vang, Huy chương Kháng chiến hạng nhất, giấy chứng nhận bị địch bắt tù đày được treo trang trọng trên tường, minh chứng cho lòng kiên trung với cách mạng của người phụ nữ này. Sau chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, bà Xuân mới hay tuổi xuân đã vụt mất. Bà thổ lộ: “Sống bằng nghề nông mà trong nhà không có đàn ông thì rất khổ, từ việc tra lại cán cuốc đến cày đám ruộng đều phải nhờ vả hoặc thuê mướn. Trong xóm đàn ông hiếm, phụ nữ không chồng thì nhiều nên thuê mướn cũng không có người”. Trước đây, dân ở xóm chợ Đồng Thành chỉ làm một vụ lúa, chủ yếu dựa vào nước trời. Khi cơn mưa đầu mùa trút xuống, nhà nào có đàn ông thì đổ xô ra đồng cày bừa, còn ruộng nhà bà phải chờ khi nào công việc của họ xong họ mới làm giúp. Lúc đó đất đã khô cứng, chờ đến cơn mưa sau thì trễ vụ. Đến mùa thu hoạch, xung quanh người ta đã gặt xong, riêng đám lúa nhà bà vẫn còn xanh. Lũ bò được thả ra cứ nhè vào đám lúa ấy mà ăn. Liên tục mấy năm trời bà Xuân bị mất mùa. Cơm không đủ ăn, nhìn con cạo cơm cháy lòng bà như xát muối. Từ đó bà quyết chí không sống nhờ vả, từ khâu cày bừa đến khâu cấy dặm một mình bà đảm trách. Bà sắm cộ bò chở sắn mía. Trong giai đoạn cây mía lên ngôi, năm nào bà Xuân cũng thu hoạch trên 10 phuy đường trầm. Có đồng ra đồng vô, bà sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.
Cách nhà bà Xuân khoảng 10m là nhà bà Trần Thị Ba. Chiến tranh đã làm cho chân phải của bà bị tật nguyền, từ đó đến giờ bà sống với đứa cháu trai gọi bằng cô. Người phụ nữ 50 tuổi này nói: “Không có con thì tôi nuôi cháu”.
Trường hợp của cụ Huỳnh Thị Bắp, 80 tuổi, thì khác. Chồng cụ tham gia kháng chiến, hy sinh cách đây hơn 40 năm, khi con gái út của cụ còn đỏ hỏn. Cụ nhớ lại: “Hồi đó tôi sống trong căn nhà tranh lụp xụp. Nhánh ổi sau hè sà xuống đụng mái nhà, gió đưa qua đưa lại cọ nát tấm tranh, mưa xuống dột ướt nhà. Người ta bảo đàn bà không nên leo lên mái nhà, nhưng lúc đó chiến tranh, người đi tứ tản, biết nhờ ai bây giờ? Tôi đành bắc thang leo lên lợp lại”.
Cụ Bắp ở vậy nuôi con từ đó đến giờ. Niềm vui của cụ là con cháu học hành đến nơi đến chốn, có người trở thành giáo viên.
Ông Trần Xuân Đường, Trưởng thôn Thạnh Đức, nói: “Phụ nữ ở xóm chợ Đồng Thành rất giỏi làm ăn kinh tế, và có thể làm những công việc nặng nhọc. Chị em thành lập tổ tương hỗ giúp nhau vượt qua đói nghèo. Ngoài công việc gia đình, họ còn tham gia phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ ở địa phương”.
Theo thống kê của UBND xã Xuân Quang 3, xóm chợ Đồng Thành có 13 gia đình liệt sĩ, 20 gia đình có công cách mạng. Đa số phụ nữ lớn tuổi ở xóm này đều tham gia cách mạng. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 Nguyễn Thị Hồng Hảo cho biết: “Xóm chợ Đồng Thành được UBND xã cũng như Ban nhân dân thôn chọn tổ chức mô hình điểm, như mô hình phụ nữ đảm đang, phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà. Đa số phụ nữ ở xóm này đã vươn lên thoát nghèo”.
MẠNH HOÀI