Với sự nỗ lực của toàn ngành, sự quan tâm, lãnh đạo của chính quyền địa phương và sự tham gia, hưởng ứng của toàn xã hội, những năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh; cải thiện tình trạng chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em; nâng cao chất lượng dân số.
Nhiều kết quả quan trọng
Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Là cộng tác viên dân số miền núi, chị Ra Lan H Ca ở buôn Lé A, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà để nắm biến động dân số và tuyên truyền chính sách dân số của Đảng và Nhà nước đến từng hộ gia đình trên địa bàn. Ngoài tập trung vào nhiệm vụ giảm sinh, chị H Ca còn tham gia tuyên truyền về lợi ích của sàng lọc trước và sau sinh, chăm sóc cho người cao tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân… Nhờ nhiều cộng tác viên dân số như con ong chăm chỉ, nhờ sự có mặt kịp thời của đội ngũ làm dân số ở cơ sở như chị H Ca mà rất nhiều gia đình sinh con một bề biết dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.
Ở thời điểm hiện tại, quy mô dân số của Phú Yên ổn định, đạt mức sinh thay thế vào năm 2009, đang bước vào giai đoạn có cơ cấu dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng (năm 2010 là 70,1 tuổi, năm 2017 là 73,5 tuổi). Bên cạnh đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm (năm 2010 là 18,6%, năm 2017 là 13,6%), tỉ lệ tử vong bà mẹ giảm (năm 2010 là 70/100.000 trẻ sinh ra sống, năm 2017 là 56,3/100.000 trẻ sinh ra sống); công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác DS-KHHGĐ của các cấp, ngành và toàn dân được nâng lên rõ rệt; các hoạt động cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.
Những thành tựu mà ngành Dân số tỉnh đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, toàn diện. Nhiều chương trình được triển khai đồng bộ, như: tầm soát trước sinh, sơ sinh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cho nam nữ thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ...
3 vấn đề cần quan tâm
Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu về DS-KHHGĐ, song theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên Nguyễn Hữu Hương, hiện công tác dân số Phú Yên có ba vấn đề lớn và cũng là thách thức mà địa phương phải đối mặt là: Phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, già hóa dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh.
Dù Phú Yên đang trong thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động lớn nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Thực tế cho thấy lực lượng lao động đang rất dồi dào, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp... Mặt khác, địa phương chưa khai thác, phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng nên một lượng lớn lao động, nhất là thanh niên đi làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp các tỉnh, thành phố lớn. Việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động của tỉnh là một yêu cầu cấp bách trong thời gian đến.
Một vấn đề được quan tâm nữa của tỉnh hiện nay đó là Phú Yên đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa dân số trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh, tỉ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) hiện chiếm trên 11% dân số. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi... Dù vậy, hiện tỉnh chưa có nhiều chính sách an sinh xã hội cho người già và chưa có giải pháp thích ứng với già hóa dân số.
Bên cạnh phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là thách thức của địa phương trong thời gian tới. Bởi hiện nay, dù tỉ số giới tính trên địa bàn tỉnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao với 109 nam/100 nữ, tác động trực tiếp đến các vấn đề xã hội. Theo đó, việc nam giới trẻ tuổi bị dư thừa so với nữ do tỉ lệ nữ giới đang giảm dần sẽ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Việc trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỉ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra. Để giảm được tỉ số giới tinh khi sinh và đưa trở về mức tự nhiên từ 105-107 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái là một vấn đề nan giải.
Để thực hiện tốt hơn công tác DS-KHHGĐ cũng như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Phú Yên đang triển khai toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý.
Ông Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên |
THÁI HÀ