Những tháng mùa mưa, ruộng đồng bỏ hoang, nhiều lúa chét và cua ốc…, nghề nuôi vịt chạy đồng nhờ đó mà giảm bớt chi phí mua thức ăn cho đàn vịt.
Vịt chạy đồng chỉ ăn mồi tự nhiên. Chúng cũng là những chiến binh đắc lực trong việc tiêu diệt ốc bươu vàng, bảo vệ mùa màng.
Từ đồng cạn đến đồng sâu
Trên các cánh đồng trải dài từ Hòa Quang Nam lên Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) đang chờ sạ lúa, những đàn vịt chạy đồng với hàng ngàn con lội ruộng rúc đầu ăn cua, ốc, tôm, tép... Theo sau chúng là những người dầu dãi nắng mưa và có đôi chân không biết mỏi, nước da cháy nắng.
Ông Nguyễn Chấn, một chủ vịt chạy đồng ở xã Hòa Quang Nam cho hay: Nuôi vịt chạy đồng phải chọn giống vịt cổ dài chân cao. Tôi nuôi vịt cò chân cao có thể leo lên bờ ruộng, trườn qua được mương nước nên đến mùa chạy đồng dễ dàng lùa từ đồng thấp sang đồng cao. Còn giống vịt siêu thịt, thân hình ục ịch, đi đứng lạch bạch, chậm chạp, không lùa đi ăn xa được. Nuôi giống vịt này nếu muốn dời từ đồng này sang đồng khác phải thuê xe vận chuyển, tốn thêm chi phí.
Cũng theo ông Chấn, mùa mưa ruộng đồng chờ gối vụ, thức ăn cho vịt đủ loại, từ lúa chét đến tôm, cua, ốc... Nhờ lượng mồi tự nhiên dồi dào nên vịt cò lớn nhanh, mập tròn không kém gì giống siêu thịt. Nếu nuôi vịt đẻ, lòng đỏ của trứng nhiều và đậm màu, ăn rất ngon. Còn vịt nuôi nhốt trong chuồng, cho ăn cám nên lòng đỏ ít hơn, trứng không béo, thơm như trứng vịt ăn mồi tự nhiên. Nếu nuôi vịt để ăn thịt hay vịt áo lá, mùa chạy đồng chúng ăn mồi tự nhiên, thịt dai, thơm ngon hơn thịt vịt nuôi nhốt cho ăn cám công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Hòa Quang Bắc nói về nghề nuôi vịt chạy đồng của mình: Tôi nuôi đàn vịt cò này trước khi vừa kết thúc vụ lúa hè thu. Sau 1 tháng, mỗi con nặng khoảng 1kg. Nuôi cỡ trên 2 tháng là xuất bán, trọng lượng có thể đạt 2 kg/con trở lên. Còn vịt đẻ, bầy 2.000 con, nếu nuôi cho ăn cám thì tối đa thu được 1.700 trứng/ngày. Khi chạy đồng, nguồn thức ăn dồi dào, vịt sung sức đẻ sai, sáng ra nhặt được 1.800 trứng. Từ nay đến 20 tháng Chạp, ruộng sạ cuốn chiếu, vịt gom về ở các ao, bàu. Thời gian này, vịt vẫn còn ăn mồi tự nhiên, sung sức. Mua trứng vịt chạy đồng để đổ bánh thuẫn, làm chả rất ngon. “Người nuôi vịt chạy đồng phải có đôi chân khỏe để theo chúng mỗi ngày. Tuy khổ, vất vả nhưng có lãi. Còn nuôi nhốt, thời gian qua giá cám tăng cao, cả vịt đẻ hay vịt áo lá tính ra đều không có lãi”, ông Nghĩa chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hồng ở xã An Thạch, huyện Tuy An, cũng là người có nhiều năm nuôi vịt chạy đồng cho biết: Thời điểm kết thúc vụ hè thu, tôi bắt đầu gầy đàn vịt con. Đàn vịt 1.000 con, tôi nuôi để bán thịt trong dịp tết Quý Mão này. Khi vịt chưa qua 1 tháng tuổi còn quây lưới nuôi nhốt, tôi hầm lúa cho chúng ăn, đến tháng thứ hai mới thả đồng. Đến nay, đàn vịt đã gần tháng rưỡi, mỗi con cân nặng gần 2kg. Mùa này vì có lúa chét trổ đòng ngậm sữa, cua, tép…, vịt ăn đủ chất nên mau lớn.
Chiến binh diệt ốc bươu vàng
Nghề nuôi vịt chạy đồng đang phát triển mạnh ở các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân và TX Đông Hòa, mỗi địa phương lên đến hàng chục ngàn con. Bầy vịt chạy đồng ăn lúa chét, tôm, cua các loại và góp phần tiêu diệt một lượng lớn ốc bươu vàng. Ông Bùi Văn Kiên ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) ra đồng đắp bờ giữ nước đám ruộng vừa cày lần 2 cho hay: Vụ này nhờ vịt chạy đồng ăn trứng ốc bươu vàng nên sắp đến kỳ sạ trong ruộng không thấy chúng “mang râu đội mũ” đi kiếm ăn. Vịt cò có lợi thế cổ cao ăn được trứng ốc bươu vàng đu bám trên cây lúa chét, cành nhánh thực vật cách xa mặt nước. Mấy năm trước do dịch COVID-19, nhiều chủ vịt bán cả đàn nên trên đồng ruộng trứng ốc bươu vàng đu đỏ đầu ngọn cỏ, lúa chét. Khi sạ, bà con nông dân phải mua thuốc đặc trị để diệt ốc tốn chi phí, nếu không ốc bươu vàng cắn lúa chết còn thưa thớt, tốn công cấy dặm. “Bầy vịt cả ngàn con dàn hàng ngang rúc thì không con ốc bươu vàng nào tránh được miệng chúng. Ốc là món hảo của vịt. Hằng ngày, chúng rà tìm thức ăn, đi đến đâu quét sạch ốc bươu vàng đến đó, trứng ốc cũng mất tích luôn”, ông Kiên nói.
Trên cánh đồng xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), những ngày qua, bà con nông dân ra đồng làm đất chuẩn bị sạ lúa đông xuân. Nhiều người vui mừng vì trước đó đã có vịt chạy đồng vệ sinh đồng ruộng. Ông Lương Văn Lê, Phó phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tây Hòa cho biết: Những tháng mùa mưa ruộng bỏ hoang, ốc bươu vàng sinh sôi. Nhiều người đi bắt ốc bươu vàng bán lại cho thương lái mua làm thức ăn cho tôm hùm nuôi. Thế nhưng đi bắt ốc thì nước trong chớ nước đục thì không thấy, còn đàn vịt cò chỉ cần chúng càn qua và cả ngày lùng sục dưới ruộng, không chỉ ốc mà ổ rầy, vịt cũng rúc vô miệng.
Theo Sở NN-PTNT, đàn vịt toàn tỉnh có 855.000 con. Thời gian qua, Sở NN-PTNT chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập, xuất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Đối với vịt chạy đồng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh nhằm kiểm soát dịch bệnh và góp phần đảm bảo an toàn đàn vịt cung ứng cho thị trường, trước mắt là thị trường tết Quý Mão này.
Bầy vịt cả ngàn con dàn hàng ngang rúc thì không con ốc bươu vàng nào tránh được miệng chúng. Ốc là món hảo của vịt. Hằng ngày, chúng rà tìm thức ăn, đi đến đâu quét sạch ốc bươu vàng đến đó, trứng ốc cũng mất tích luôn.
Ông Bùi Văn Kiên ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) |
MẠNH LÊ TRÂM