Phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng địa phương là quan điểm của tỉnh trong việc phát triển thị trường lao động (TTLĐ) trong thời gian tới. Vì vậy, các địa phương, cơ quan liên quan đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phù hợp; trong đó, công tác kết nối cung cầu giữa người lao động (NLĐ) với các doanh nghiệp tuyển dụng được chú trọng.
Kết nối, giới thiệu việc làm cho NLĐ
Theo bà Lương Thị Giang, Phòng Tư vấn - Giới thiệu việc làm - Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, Sở LĐ-TB-XH, để giúp NLĐ có được việc làm ổn định, thu nhập khá, thời gian qua, trung tâm đã thực hiện khảo sát TTLĐ trong nước, những chính sách thu hút của các công ty để sàng lọc, giới thiệu việc làm tốt nhất cho NLĐ. Đơn cử, đến nay trung tâm đã kết nối, giới thiệu cho 30 NLĐ ở các địa phương trong tỉnh vào làm việc tại Công ty TNHH ECCO Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Hầu hết lao động đang làm việc tại công ty này đều có mức thu nhập từ 6 đến gần 12 triệu đồng/ người/tháng, tùy vào thời gian và công việc đang làm.
Chị Lê Thị Nga (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) đã có 6 năm gắn bó với Công ty TNHH ECCO Việt Nam, chia sẻ: Qua thời gian làm việc, tôi cũng như nhiều lao động khác rất an tâm khi làm việc tại đây. Công việc may da giày phù hợp với chúng tôi, mức thu nhập ổn định, trung bình 11 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các chế độ về ăn ca, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lễ tết cũng được công ty thực hiện rất tốt.
Cũng như chị Nga, ông Trần Duy Hướng, thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa), được Trung tâm DVVL tỉnh kết nối, ông đang tham gia lớp học tiếng Nhật để chuẩn bị đi làm việc tại đất nước mặt trời mọc. Ngoài học tiếng Nhật, ông cùng các học viên khác còn được đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng ngành nghề theo năng lực và sở thích khi đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Ông Hướng chia sẻ: Tôi tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với mong muốn có thu nhập cao, công việc ổn định để có cuộc sống tốt hơn.
Ông Đinh Tấn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Phú Yên, cho biết: “Để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm, trung tâm liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nắm bắt thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị để có kế hoạch giới thiệu cung ứng đạt hiệu quả cao. “Năm 2022, trung tâm đã giới thiệu có việc làm cho hơn 710 lao động, trong đó việc làm trong tỉnh hơn 320 lao động, bình quân thu nhập NLĐ từ 5-10 triệu đồng/tháng. Và hiện nay đơn vị lên kế hoạch, giải pháp chuẩn bị nguồn lao động để cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu lao động”.
Cũng theo ông Đinh Tấn Hiếu, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh đều tăng. Năm 2023, thông qua trung tâm, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các ngành may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử dự kiến khoảng 1.200 lao động. Bên cạnh đó, các công ty cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản với các ngành chế biến thủy sản, lát gạch, may quần áo thời trang nam và nữ, lắp ráp điện tử, cơ khí, ép kim loại, xây dựng…
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển TTLĐ linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp... Trước mắt tập trung chăm lo đời sống của NLĐ trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thực hiện việc ghi chép, cập nhật thông tin lực lượng lao động của từng hộ gia đình, cập nhật thông tin của toàn bộ các doanh nghiệp có thuê mướn lao động trên địa bàn tỉnh. Từ đó vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu thông tin TTLĐ trên máy chủ của Bộ LĐ-TB-XH, hướng dẫn các địa phương tích hợp dữ liệu và khai thác thông tin lao động việc làm thất nghiệp trên bộ cơ sở dữ liệu này. Đây được xem là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả trong việc kết nối cung - cầu lao động. Nhờ đó, TTLĐ đã từng bước được phục hồi và phát triển. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm dần. Quy mô lực lượng lao động, tỉ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng.
Theo ông Soa, để phát triển TTLĐ trong thời gian tới, quan điểm của tỉnh là phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của NLĐ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với TTLĐ quốc tế. Tỉnh phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; tỉ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030. Duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%/ tỉ trọng lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp đến năm 2025 dưới 40% và đến năm 2030 dưới 30%; tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm.
Theo Trung tâm DVVL tỉnh, trung tâm có nhu cầu tuyển dụng trên 3.000 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh; trong đó chủ yếu lao động phổ thông ở các ngành may mặc, cơ khí, điện tử, thủy sản… |
KIM CHI