Những người được đặc xá trở về địa phương thường có mặc cảm nặng nề. Nhưng sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng công an, các ban ngành, đoàn thể và tấm lòng bao dung nhân ái của cả cộng đồng đã góp phần thắp sáng niềm tin trong họ.
Chính quyền, công an và các đoàn thể ở phường 2 (TP Tuy Hòa) xét cho vay vốn đối với những người được đặc xá trở về địa phương - Ảnh: KIM PHƯỢNG |
Hàng ngày, bà con ở tổ dân phố 11, khu phố 3, phường 2, TP Tuy Hòa thường thấy N.Q.D (SN 1985) dậy rất sớm để phụ giúp công việc gia đình, sau đó mới đến cơ sở hàn tiện ở đường Nguyễn Trãi làm việc. Cách đây 4 năm, D cùng ba người bạn rủ nhau đi chơi. Trong lúc ăn nhậu, nhóm bạn của D nảy sinh mâu thuẫn với một thanh niên trong quán. Với tính bồng bột, hiếu thắng, D cùng nhóm bạn đánh người thanh niên kia bị chấn thương sọ não và chết. Với tội cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng, D bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 4 năm tù giam. Trong thời gian ở trại giam Xuân Phước, nhờ cải tạo tốt, chấp hành nghiêm nội quy của trại, D được giảm án và ngày 2/9/2006 được đặc xá trở về địa phương. Để giúp D xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, anh Võ Khắc Triều - cảnh sát khu vực Công an phường 2, ông Nguyễn Đức - khu phố trưởng và các đoàn thể thường xuyên đến nhà gặp gỡ, động viên, khuyên nhủ, giúp đỡ để D có việc làm ổn định. Chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho gia đình D vay 5 triệu đồng từ quỹ Xóa đói giảm nghèo để phát triển sản xuất. Với sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các đoàn thể, chính quyền địa phương, đến nay D đã thật sự tiến bộ.
Hoàn cảnh gia đình N.M.H (SN 1975) ở khu phố 4, phường 2 rất đáng thương. Cha mẹ mất sớm, H ở với anh ruột, hàng ngày phải đi làm thuê cho các nhà hàng, khách sạn để kiếm sống. Do thiếu sự thương yêu, giáo dục của cha mẹ cộng với ảnh hưởng của môi trường làm việc, H đã phạm tội chứa mại dâm, bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 4 năm tù giam. Trong thời gian thi hành án, H luôn cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời. Nhân dịp Tết Nguyên đán 2005, H được đặc xá trở về địa phương. Từ ngày trở về, H luôn được sự quan tâm, giúp đỡ của công an phường, chính quyền địa phương và bà con trong khu phố. Với quyết tâm không tái phạm tội cũ, H đã theo chú ruột làm nghề điện lạnh. Tuy công việc vất vả, thu nhập không nhiều nhưng H cho biết anh thấy thật hạnh phúc vì làm nghề lương thiện.
Nói về công tác giáo dục, giúp đỡ những người được đặc xá trở về địa phương, thiếu tá Nguyễn Hữu Phú, Phó trưởng Công an phường 2 cho biết: “Để giúp những người lầm lỗi sớm hòa nhập cộng đồng, chúng tôi luôn quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh, kinh tế của từng đối tượng, từ đó đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, cho vay quỹ Xóa đói giảm nghèo để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ 2004 đến 2008, phường 2 có 19 đối tượng được đặc xá trở về địa phương, hiện đã có 16 đối tượng tiến bộ thật sự”.
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch UBND phường 2 nói: Những người được đặc xá trở về địa phương, chính quyền phường đều quan tâm, phân công cho các đoàn thể kèm cặp, giúp đỡ, xóa bỏ mặc cảm về những lỗi lầm trong quá khứ. Trong hai năm 2007, 2008, chính quyền địa phương đã giúp cho gia đình các đối tượng đặc xá được vay trên 30 triệu đồng để ổn định cuộc sống, phát triển ngành nghề.
Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người được đặc xá trở về địa phương để họ không tái phạm tội là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam. Mở rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ những người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng của cấp ủy, chính quyền phường 2ø trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho cuộc sống bình yên.
KIM PHƯỢNG