Những năm gần đây, Phú Yên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển… Trước diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án và yêu cầu các sở, ngành, địa phương sẵn sàng, chủ động ứng phó.
Thiên tai gây thiệt hại lớn
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, năm 2021, có 9 cơn bão trên biển Đông, riêng bão số 9 đã ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại nặng ở Phú Yên. Trong năm qua, bão lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 8 người chết, hơn 58.000 lượt nhà ngập nước, thiệt hại nặng về nông nghiệp, giao thông, thủy lợi…, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây khô hạn trên diện rộng, làm hơn 3.800ha lúa vụ hè thu, 1.500ha cây ăn trái, 11.220ha sắn, 8.190ha mía bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng năng suất, sản lượng. Cũng trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy rừng, thiệt hại 92ha rừng trồng. Về tình hình trên biển, khu vực biên giới biển của tỉnh đã xảy ra 116 vụ tàu thuyền gặp tai nạn, làm 50 người chết và mất tích, 33 người bị thương và hư hỏng nhiều tài sản. Tổng thiệt hại do thiên tai năm 2021 gây ra trên địa bàn tỉnh hơn 588 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, mưa lớn, lũ lụt trái mùa ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Đợt mưa lớn từ ngày 30/3-2/4 đã gây ngập lụt và lốc xoáy trên biển làm thiệt hại nặng về người, tài sản.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tình hình thiên tai từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, khó lường, trong mùa nắng lại xảy ra mưa lớn, gió lốc ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Trong đợt mưa lớn, lốc xoáy từ ngày 30/3-2/4, ngoài 2 người chết và mất tích ở huyện Tuy An thì trên địa bàn tỉnh, hơn 14.500ha lúa ngập nước, ngã đổ; hơn 130 tàu thuyền chìm và nhiều lồng, bè nuôi thủy hải sản bị đắm, hư hỏng. Thiệt hại trên địa bàn tỉnh do mưa lũ, lốc xoáy đợt này gây ra hơn 355 tỉ đồng.
Chủ động giải pháp ứng phó
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ nay đến cuối năm 2022, dự báo có khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Khu vực tỉnh Phú Yên có khả năng chịu ảnh hưởng từ 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Từ nửa cuối tháng 9 đến tháng 12/2022, các sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ năm 2022 tại các sông ở mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu có khả năng xuất hiện lũ lớn.
Để chủ động ứng phó các loại hình thiên tai, ngay từ đầu năm, các sở, ngành và địa phương đều xây dựng các phương án, kế hoạch. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Đồng Xuân là huyện miền núi có địa hình rất phức tạp, hệ thống sông, suối tương đối dày, hàng năm xảy ra từ 3-5 trận lũ lụt lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại, từ huyện đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch và phương án PCTT cụ thể, sát với thực tế, theo phương châm “4 tại chỗ”; quá trình triển khai thực hiện theo nguyên tắc chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời. Tỉnh cần quan tâm phân bổ kinh phí để địa phương triển khai khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022. Địa phương cũng kiến nghị tỉnh sớm cho chủ trương triển khai dự án chỉnh trị sông Kỳ Lộ, sông Cô và các công trình kè chống sạt lở để hạn chế tình trạng xâm thực đất sản xuất và các khu vực dân cư; hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình phục vụ công tác di dời dân ở vùng thiên tai; xây dựng hệ thống cảnh báo lũ vùng hạ du sông Kỳ Lộ để chủ động phòng tránh.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo: Để chủ động PCTT-TKCN các tháng còn lại năm 2022, các sở, ban ngành, hội đoàn thể tỉnh và địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương và tỉnh về công tác PCTT, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai theo từng loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Các lực lượng của tỉnh (nhất là lực lượng công an, quân đội, biên phòng) chủ động ứng cứu kịp thời tại các địa phương khi có nhu cầu; kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp đưa người và tài sản đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả sau thiên tai. Các sở, ban ngành, hội đoàn thể tỉnh và địa phương triển khai kế hoạch, phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình phù hợp theo tình hình thực tế; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng trực, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia PCTT và dịch bệnh; ưu tiên bố trí nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất.
Các sở, ngành, địa phương chủ động tổ chức tập huấn, diễn tập PCTT-TKCN theo phương châm 4 tại chỗ, phòng hơn chống; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm; củng cố kiện toàn các đội xung kích lực lượng PCTT cấp xã; tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân về PCTT trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 với các biến thể mới.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ |
ANH NGỌC