Để tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội cùng hưởng ứng việc tham gia thúc đẩy quyền trẻ em (QTE), theo các chuyên gia, trước tiên cần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và tăng cường vận động xã hội, trong đó nghiên cứu hành vi có liên quan của các đối tượng ưu tiên và đối tượng đích, bao gồm bối cảnh văn hóa, phong tục, tập quán và lối sống.
Việc tăng cường chất lượng thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt với cấp cơ sở, các vùng miền còn nhiều khó khăn cũng cần được chú trọng. Mở các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) và tầm quan trọng của việc thúc đẩy quyền này. Tổ chức các hội thảo, tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề cho từng đối tượng như các nhà hoạch định chính sách, các ngành, trường học, cộng đồng, các bậc cha mẹ và cho chính trẻ em để nâng cao nhận thức và năng lực.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp về kỹ năng, phương pháp truyền thông có hiệu quả cho các đối tượng trong xã hội cũng như trang bị cho họ những kiến thức về bảo vệ chăm sóc trẻ em, về quyền trẻ em. Đa dạng hóa các tài liệu truyền thông phù hợp về QTGCTE để cung cấp kiến thức cho các đối tượng khác nhau trong xã hội, bao gồm cả trẻ em. Tăng cường năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình truyền thông, hiệu quả truyền thông và từ đó rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Đồng thời cần tuyên truyền những mô hình hay, những cách làm tốt của các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và thúc đẩy QTGCTE. Xây dựng và đào tạo đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên cộng đồng về số lượng, nâng cao chất lượng thông qua tập huấn, đào tạo để tuyên truyền rộng rãi và động viên, khích lệ mọi đối tượng trong cộng đồng tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các hoạt động có ích trong xã hội, đặc biệt trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Định hình và phát triển các biện pháp và dịch vụ tư vấn/tham vấn, mở các trung tâm công tác xã hội trẻ em và phát triển hệ thống đường dây tư vấn miễn phí như tư vấn, tham vấn; xây dựng trung tâm công tác xã hội trẻ em; mở rộng đường dây dịch vụ tư vấn trẻ em và phát triển các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ miễn phí; củng cố và xây dựng nhóm, đội đồng đẳng trẻ em...
Vận động xã hội tổ chức các sự kiện về quyền trẻ em hoặc có sự tham gia của trẻ như: các diễn đàn, các cuộc liên hoan văn hóa, nghệ thuật của trẻ, các cuộc gặp mặt về công tác xã hội của trẻ em… Xây dựng các nhóm nòng cốt, thực hiện các hoạt động trọng tâm của phong trào và truyền thông nêu gương như những sáng kiến, hình mẫu.
(Theo Bộ LĐ-TB-XH)