Chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh-sinh viên (HSSV) không chỉ là một biện pháp để giải quyết những vấn đề chiến lược trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn góp phần tạo ra một thế hệ trẻ phát triển toàn diện, cả về đức -trí -thể -mỹ. Sức khỏe tốt là mục tiêu quan trọng trong giáo dục toàn diện HSSV.
Khám mắt cho học sinh tiểu học ở Trung tâm Mắt Phú Yên - Ảnh: THÙY THẢO
Trong những năm qua, công tác BHYT HSSV trên địa bàn Phú Yên đã có bước phát triển khá. Năm học vừa qua, có hơn 122.000 HSSV tham gia BHYT, chiếm khoảng 60% tổng số HSSV diện tham gia BHYT toàn tỉnh. Một số trường học ở TP Tuy Hòa đạt tỉ lệ gần 100% như các trường tiểu học Lê Quý Đôn, Lạc Long Quân; THCS Trần Quốc Toản, Hùng Vương; THPT Nguyễn Huệ, Lương Văn Chánh… Công tác y tế trường học ở những đơn vị này phát triển mạnh, có cán bộ y tế chuyên trách, nhiều học sinh được chăm sóc sức khỏe tại trường học và được KCB ở các tuyến. Theo báo cáo của BHXH tỉnh Phú Yên, năm học 2007- 2008, toàn tỉnh có 103.933 lượt học sinh đi KCB. Mức thanh toán lên đến gần 7 tỉ đồng, vượt quỹ 1,2 tỉ đồng. Trong đó, nhiều em được thanh toán chi phí hàng chục triệu đồng, 27 em rủi ro tử vong được bảo hiểm hỗ trợ...
Tuy nhiên, qua hơn 15 năm triển khai, mức độ bao phủ của BHYT HSSV trên địa bàn Phú Yên còn thấp so với một số tỉnh lân cận. Vì vậy, số lượng HSSV được hưởng quyền lợi BHYT để chăm sóc sức khỏe còn thấp. Một số trường có HS tham gia dưới 15%. Nhiều trường không có nguồn kinh phí hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu để lại nên chưa triển khai công tác y tế học đường theo Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 1/3/2000 của Liên Bộ Y tế - Giáo dục Đào tạo về việc “Hướng dẫn thực hiện y tế trường học”. Công tác y tế trường học còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Toàn tỉnh chỉ có 259 nhân viên y tế phụ trách 268 trường, trong đó chỉ có 77 người chuyên trách, còn lại hầu hết kiêm nhiệm. Nhân viên y tế ở nhiều trường chưa có định biên, hưởng lương theo công việc nên thu nhập rất thấp, thậm chí chỉ hơn mức lương tối thiểu hiện hành. Được biết hiện nay, nhận thức hiểu biết về chế độ, chính sách BHYT trong phụ huynh học sinh, HSSV, kể cả giáo viên còn hạn chế. Đa số họ đều hiểu BHYT HSSV là một loại hình kinh doanh chứ không phải một chính sách chăm sóc sức khỏe của Đảng và Nhà nước, nên chưa quan tâm. Một số phụ huynh còn tính toán, không phòng xa, khi đau ốm thì mới chạy để tham gia. Nhiều đơn vị trường học ít mặn mà với việc tuyên truyền, vận động gia đình và HSSV tham gia BHYT.
Để khắc phục tình trạng trên và tạo điều kiện cho đông đảo HSSV được hưởng quyền lợi về BHYT, điều cần thiết trong thời gian tới là cần đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHYT, tăng cường tổ chức và hoạt động y tế trường học theo Thông tư 03...
HOÀNG LÊ