Thứ Ba, 26/11/2024 02:43 SA
Quá nhiều nguy cơ từ những chuyến đò ngang
Thứ Tư, 19/10/2005 08:54 SA

Ở một số vùng, đò đã trở thành phương tiện đi lại hữu ích. Tuy nhiên ít người biết rằng những chuyến đò ngày ngày qua lại các bến sông ở Phú Yên đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào. Mặc dù các cơ quan chức năng ở Phú Yên đã tăng cường công tác quản lý nhưng xem ra hoạt động đưa đón khách của loại phương tiện này vẫn chưa thể đi vào nề nếp.

 

NHỮNG BẾN ĐÒ TẠM BỢ

 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 25 bến đò trong đó có 13 bến đã được UBND xã cấp giấy phép hoạt động, số còn lại chủ yếu là hình thành tự phát. Trong số 8 huyện, thành phố, Đồng Xuân là nơi có nhiều bến bò nhất với 6 bến tại bến Khẩu, Cầu Sắt (thị trấn La Hai), Tân Bình (xã Xuân Sơn Bắc), Đồng Hội (xã Xuân Quang 1), Trà Bương (xã Xuân Phước) và Phước Lộc (xã Xuân Quang 3). Do đặc điểm địa hình của các sông trong tỉnh là ngắn và dốc nên phần lớn các bến đều là đò ngang. Nhiều bến đò trên thực tế chỉ tồn tại vào mùa mưa, thêm vào đó lại không được đầu tư nên tất cả các bến đò hiện có ở Phú Yên không hội đủ điều kiện theo qui định của Bộ GTVT về bến thủy nội địa. Ngay cả những bến thường xuyên có khách qua lại ở Sông Hinh và Sơn Hòa cũng không có nhà chờ cho khách, bảng nội qui, bảng giá, càng không có đệm chống va theo qui định của Bộ GTVT. Bến lớn đã vậy, bến nhỏ trông càng nhếch nhác.

 

Khách đi đò từ Sơn Hòa sang Sông Hinh

 

CHỈ CÓ 25/59 CON ĐÒ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ, ĐĂNG KIỂM

 

Theo ông Đặng Ngọc Vân – chuyên viên Phòng Phương tiện người lái Sở GTVT hiện toàn tỉnh có 59 đò ngang chở khách có công suất từ 7CV đến 15CV nhưng chỉ có 25 phương tiện được đăng ký, đăng kiểm; 34 phương tiện khác không chịu đăng ký, đăng kiểm hoặc có mà không đạt. Nhiều chủ đò cho biết để có được một chiếc đò công suất khoảng 15CV đạt tiêu chuẩn phải đầu tư từ 25 đến 30 triệu đồng. Đối với những bến đông khách qua lại và hoạt động thường xuyên thì chủ đò còn mong thu hồi vốn chứ những nơi ít khách hay chỉ hoạt động vào mùa nước lớn thì đành bó tay. Phần nhiều những người làm nghề đưa đò hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nên dù muốn cũng chẳng thể nào kiếm nổi một số tiền lớn để đầu tư cho một chiếc tàu thuyền bài bản. Thành ra trốn được ngày nào thì trốn còn không thì chấp nhận nộp phạt nếu bị cảnh sát giao thông bắt. Với những phương tiện như vậy, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn là rất cao nhất là các phương tiện cũ hoạt động vào mùa nước lớn. Thế nhưng không hiểu vì sao các con đò không có đăng ký, đăng kiểm vẫn tồn tại, vẫn hoạt động trong suốt một thời gian dài. Không chỉ có chưa đến một nửa số phương tiện được cấp phép hoạt động, các đò làm nhiệm vụ chở khách ở Phú Yên còn khiếm khuyết nhiều thứ khác. Phao cứu sinh chỉ là những can nhựa dùng để đựng nước; áo phao thì phần lớn phương tiện đều thiếu hoặc nếu có cũng chỉ được dùng để đối phó mỗi khi có đoàn kiểm tra.

 

CHỈ CÓ 27/59 NGƯỜI LÁI ĐÒ CÓ CHUYÊN MÔN

 

Tồn tại lớn nhất của các con đò là trình độ của người điều khiển phương tiện. Theo qui định, tất cả những người làm nghề lái đò chở khách đều phải có bằng. Thế nhưng trong số 59 người lái đò mới chỉ có 27 trường hợp có chứng chỉ chuyên môn. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc 32 người làm nhiệm vụ nguy hiểm là chở người qua sông nhưng không nắm vững kỹ thuật điều khiển phương tiện càng không nắm vững luật giao thông đường thủy nội địa. Đây lại là một nguy cơ tiềm ẩn của các vụ tai nạn đường sông khi mà người điều khiển phương tiện không nắm vững luật và tính mạng của rất nhiều hành khách đang bị đe dọa.

 

Hiện nay, Sở GTVT phối hợp với CSGT Công an tỉnh tổ chức kiểm tra tất cả các bến đò cùng các phương tiện chở khách trong tỉnh. Ngoài công tác tuyên truyền, đoàn kiểm tra liên ngành cũng kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, cấp lại số đăng ký… Nhờ vậy nhiều đò làm nghề chở khách đã được sửa chữa mới, thay thế bổ sung các phương tiện cứu hộ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều phương tiện không chấp hành sự kiểm tra. Số này rơi vào những con đò ít khách, hoạt động không thường xuyên. Và như vậy tình trạng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, người lái không có chứng chỉ chuyên môn vẫn tồn tại, không thể khắc phục được. Đề cập đến vấn đề này, ông Đặng Ngọc Vân – chuyên viên Phòng Quản lý phương tiện người lái cho rằng Sở GTVT rất khó quản lý và xử lý hết những trường hợp này mà cần sự phối hợp tích cực của các địa phương nơi có bến đò hoạt động. Rõ ràng, bảo đảm an toàn cho công tác vận tải hành khách nội địa ở Phú Yên không chỉ là nhiệm vụ của một ngành hay một địa phương mà nó đang rất cần được xã hội hóa. Trong đó công tác tuyên truyền mọi người từ chủ đò đến hành khách cần được đẩy mạnh và có phương pháp làm tốt hơn. Có như vậy những con đò đang ngày đêm cần mẫn đưa khách qua sông mới có thể bảo đảm an toàn, không để xảy ra các vụ tai nạn đau lòng như đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác.

HOÀI TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek