Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, phát triển thị trường lao động (TTLĐ), nâng cao đời sống người dân.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển TTLĐ giai đoạn từ nay đến năm 2030, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố TTLĐ, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối TTLĐ tỉnh với TTLĐ các tỉnh, thành phố trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Kết nối cung - cầu, giảm tỉ lệ thất nghiệp
Những năm qua, TTLĐ có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, nhưng vẫn chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững. Công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin TTLĐ chưa thực sự hiệu quả. Từ lúc dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, TTLĐ trong nước và thị trường xuất khẩu lao động lại bị ảnh hưởng nặng nề. Phú Yên là tỉnh có nguy cơ thấp, nhưng không nằm ngoài sự tác động ảnh hưởng của đại dịch này. Dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân trên địa bàn.
Cùng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tỉnh đã tập trung thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng thời triển khai quyết định của Thủ tướng về phát triển TTLĐ. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chủ động phòng chống dịch bệnh vừa ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã dần ổn định và tiếp tục phát triển.
Hiện các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thực hiện việc ghi chép, cập nhật thông tin lực lượng lao động của từng hộ gia đình, của toàn bộ doanh nghiệp có thuê mướn lao động trên địa bàn tỉnh. Từ đó vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu thông tin TTLĐ trên máy chủ của Bộ LĐ-TB-XH, hướng dẫn các địa phương tích hợp dữ liệu và khai thác thông tin lao động việc làm thất nghiệp trên bộ cơ sở dữ liệu này. Đây được xem là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả trong việc kết nối cung - cầu lao động. Nhờ vậy, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm dần, TTLĐ đã từng bước được phục hồi và phát triển. Quy mô lực lượng lao động, tỉ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng. Tỉ lệ lao động qua đào tạo từ đầu năm đến nay đạt 72,85%, trong đó tỉ lệ có văn bằng chứng chỉ đạt hơn 26%.
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại
Nhìn chung, các chính sách đã được ban hành kịp thời, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để tổ chức, vận hành và phát triển TTLĐ, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để phát triển TTLĐ thời gian tới, quan điểm của tỉnh là phát triển TTLĐ toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng địa phương trong tỉnh, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển TTLĐ thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển TTLĐ. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với TTLĐ quốc tế.
Tỉnh sẽ tập trung tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; cung cấp các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Tỉnh khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội nghề doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu TTLĐ; hỗ trợ kết nối TTLĐ trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước, phát triển các TTLĐ đặc thù... Tỉnh phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; tỉ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030. Tỉnh duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỉ trọng lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp đến năm 2025 dưới 40% và đến năm 2030 dưới 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm.
NGUYỄN TÀI SOA
Trưởng phòng Lao động - Việc làm Sở LĐ-TB-XH