Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, nắng nóng có thể đạt tới ngưỡng nhiệt độ khoảng 38-39 độ C.
Ngoài ra vẫn có thể có các trận mưa dông xảy ra ở khu vực Bắc Bộ bao gồm cả Thủ đô Hà Nội. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt còn có khả năng xảy ra trong cuối tháng 6 và tháng 7 tại Bắc Bộ và Trung Bộ
Nhận định về tình hình nắng nóng trong những ngày tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ ngày 25/6, Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ trở lại và từ ngày 26/6 trở đi sẽ có nắng nóng trên diện rộng.
Tại khu vưc Trung Bộ, từ ngày 26/6 trở đi, nắng nóng và nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Thời điểm nắng nóng gay gắt nhất là trong khoảng ngày 28 - 29/6, tuy nhiên khả năng xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao như tuần vừa qua ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ là không cao.
Ông Lâm cũng lưu ý theo dự báo, tháng 6/2022, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thấp hơn so với mọi năm, nắng nóng và nắng nóng gay gắt còn có khả năng xảy ra trong cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tại khu vực Bắc Bộ và kéo dài trong tháng 7, tháng 8 tại khu vực Trung Bộ. Thời gian tới, nhiệt độ nắng nóng trong khoảng 38-39 độ C trở lại.
Lý giải về nguyên nhân của đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, ông Lâm cho rằng xuất phát từ vùng áp thấp nóng phía Tây, cộng thêm tác động hiệu ứng gió phơn. Khi hai hiệu ứng này kết hợp với nhau đã gây ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng cho cả hai khu vực trên.
Những ngày qua, khu vực Hà Nội được ghi nhận là nơi có nhiệt độ cao; nhiệt độ đo được tại Sơn Tây lên tới 40,3 độ C, tại Láng là 40 độ C. Khu vực Hà Tĩnh trong ngày 20/6 có nhiều điểm, nhiệt độ đo được lên tới 39 độ C. Đây là những khu vực nóng nhất trong cả nước ở đợt nắng nóng vừa qua.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước và cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn.
Người dân nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Người dân nên mặc trang phục nhẹ, rộng, thoáng mát (như linen, cotton, lụa...), dễ thấm mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì dễ hấp thụ nhiệt; đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi; đeo kính râm để bảo vệ mắt...
Ngoài ra, người dân cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
Vẫn xuất hiện các đợt mưa với cường độ lớn
Đề cập đến tình hình mưa, Phó Giám đốc Hoàng Phúc Lâm cho rằng, cao điểm mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ là tháng 7-8 (đặc biệt là trong tháng 8), do vậy trong thời gian tới vẫn có thể có các đợt mưa với cường độ lớn xảy ra ở khu vực Bắc Bộ bao gồm cả Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, nguyên nhân của những đợt mưa lớn là do trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra ngày càng nhiều không chỉ có mưa lớn mà bao gồm cả các hình thái thời tiết khác như nắng nóng, bão, bão lớn, rét đậm, rét hại xảy ra nhiều hơn trong mùa đông.
Các hiện tượng thời tiết này lặp đi lặp lại nhưng với chu kỳ ngắn hơn so với trước đây.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, lũ, lũ quét và nguy cơ sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu...
Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại...
Theo TTXVN/Vietnam+