An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vai trò, ý nghĩa quan trọng không những đối với người lao động (NLĐ), doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng gia đình, đến sự phát triển của xã hội.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 nhưng các cấp chính quyền tỉnh đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác ATVSLĐ. Đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Một trong những biện pháp quan trọng giúp thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ phải kể đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ. Các cơ quan, đoàn thể, các ngành chức năng cũng đã chủ động phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh, cải thiện môi trường làm việc.
Những năm qua, các sở, ban ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ, các hoạt động hưởng ứng tháng Hành động ATVSLĐ (tháng 5) hàng năm. Tháng Hành động ATVSLĐ là cao điểm tuyên truyền và triển khai công tác này. Trong tháng hành động, nhiều hoạt động hướng về cơ sở được triển khai đồng loạt như tổ chức tự kiểm tra, thanh tra, đối thoại, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát nguy cơ, rủi ro, tổ chức khám sức khỏe, tuyên truyền... đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) cho NLĐ.
Các kênh thông tin tuyên truyền được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức như đối thoại chính sách pháp luật, tổ chức cuộc thi ATVSLĐ, hỏi đáp, phát tờ rơi, treo băng rôn… Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác tháng Hành động ATVSLĐ và thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các quy định pháp luật về ATVSLĐ được hướng dẫn tương đối đầy đủ tới NLĐ và người sử dụng lao động. Đồng thời tổ chức huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn OSHAS 18000 (là hệ thống an toàn và quản lý sức khỏe nghề nghiệp) cho người sử dụng lao động và cán bộ phụ trách ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, NLĐ không có hợp đồng lao động làm những nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong khu vực phi kết cấu thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó hỗ trợ kiểm định kỹ thuật an toàn và lập hồ sơ lý lịch máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cho cơ sở sản xuất kinh doanh, khu vực phi kết cấu sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời kiện toàn cơ sở dữ liệu về ATVSLĐ, thống kê người dân địa phương mất do TNLĐ; số liệu do cán bộ tư pháp và y tế các xã, phường, thị trấn cung cấp.
Kết quả triển khai chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020 đã tạo sự chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ được nâng lên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác ATVSLĐ và đưa vào kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng các phong trào quần chúng tham gia công tác ATVSLĐ, tham dự hội nghị tập huấn, huấn luyện, các hội thi tìm hiểu về công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; công tác phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; xây dựng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc, hướng tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn về điều kiện lao động. NLĐ đã chủ động trang bị kiến thức pháp luật về ATVSLĐ, chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.
Tập trung cải thiện điều kiện làm việc
Hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ cũng như chưa thấy hết được tác hại và hậu quả nghiêm trọng xảy ra nếu NLĐ làm việc trong môi trường lao động mất an toàn bị TNLĐ. Họ chưa gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ. Họ đổ lỗi cho việc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên hạn chế kinh phí thực hiện công tác ATVSLĐ tại đơn vị.
Mặt khác, quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, người nông dân ngày càng được trang bị, sử dụng nhiều máy móc, thiết bị, phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật nên nguy cơ TNLĐ, nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật ngày càng cao, trong khi lực lượng làm công tác bảo hộ lao động ở cấp xã không có. Việc nhập khẩu và đưa vào sử dụng các thiết bị, công nghệ, vật liệu mới, ngoài những mặt tích cực, còn tiềm ẩn những nguy cơ về ATVSLĐ. Trong khi đó, NLĐ không được huấn luyện ATVSLĐ nên thiếu thông tin về pháp luật ATVSLĐ dẫn đến chưa nhận thức rõ quyền lợi vànghĩa vụ của mình trong công tác ATVSLĐ được pháp luật thừa nhận. Họ chưa biết cách tự bảo vệ mình, chưa mạnh dạn bày tỏ chính kiến, đặt ra các yêu cầu đối với người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ cho chính mình.
Ngoài ra, do khó khăn về kinh tế nên NLĐ sẵn sàng làm việc trong bất cứ điều kiện, môi trường làm việc nào miễn là có thu nhập mà không màng đến các nguy cơ rủi ro đe dọa tính mạng của mình. Một số lao động có thái độ dễ dãi, thờ ơ, không chấp hành nghiêm những nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc như không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang bị; không khám sức khỏe định kỳ khi chủ sử dụng lao động tổ chức khám, không thực hiện bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật mà yêu cầu chủ sử dụng lao động quy ra tiền trả vào lương... Cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật lại thường xuyên thay đổi, đơn vị không bổ sung, củng cố kịp thời nên chưa được huấn luyện về ATVSLĐ; hầu hết cán bộ làm công tác ATVSLĐ đều là kiêm nhiệm, chỉ chú trọng đến chuyên môn, sản xuất kinh doanh, chưa chú trọng đến công tác huấn luyện ATVSLĐ.
ATVSLĐ không chỉ mang lại lợi ích cho cả đôi bên, mà còn là động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng; thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa TNLĐ và BNN, chăm sóc sức khỏe NLĐ; đảm bảo an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao hiệu quả các phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH bằng các hình thức phù hợp để tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến được với người dân và NLĐ. Đồng thời tiếp tục thực hiện, thể chế hóa chủ trương về ATVSLĐ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ.
NGUYỄN TÀI SOA
Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB-XH