Những năm gần đây, nghề công tác xã hội (CTXH) đã khẳng định được vị trí, ý nghĩa thiết thực. Tại Phú Yên, thông qua việc triển khai nghề CTXH, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề.
Hiện Phú Yên xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và đã đi vào hoạt động. 100% xã, phường, thị trấn có cộng tác viên, nhân viên CTXH với hơn 800 người.
Thầm lặng với nghề
Nhân viên nghề CTXH đang là cầu nối đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội; những người bệnh đau nặng, hiểm nghèo cần được chia sẻ, giúp đỡ trong bệnh viện.
Là cử nhân CTXH, có 10 năm công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh, chị Nguyễn Thị Mỹ Sen chia sẻ: “Là nhân viên của phòng nuôi dưỡng phục vụ, hàng ngày chăm sóc người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người tâm thần, người khuyết tật, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi luôn tận tình, chu đáo với từng người từ miếng cơm, ngụm nước; tắm giặt, vệ sinh cho họ lúc ở trung tâm cũng như khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế”.
Không chỉ chu đáo trong việc lo cơm nước, vệ sinh, tắm giặt, chị Sen thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò với những người được chăm sóc, nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng để báo cáo lãnh đạo hỗ trợ kịp thời. Buổi sáng, chị đưa các cụ già ra ngoài tập thể dục, tắm nắng, gặp gỡ, nói chuyện cùng nhau, giúp các cụ thoải mái, không còn cảm giác buồn tủi nhớ nhà. Đối với các cụ đến trung tâm để điều dưỡng, chị luôn đón tiếp nhiệt tình, vui vẻ, kính trọng. “Trong thời gian các cụ ở lại trung tâm, tôi dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho các cụ, tạo không khí vui vẻ, thoải mái, hạn chế tâm lý nhớ nhà”, chị Sen cho biết thêm.
Anh La Tiến Xuân ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) làm cộng tác viên CTXH 4 năm nay nên rất hiểu hoàn cảnh của các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ mồ côi hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Lúc đầu, tôi giải thích những chủ trương, chính sách về bảo trợ xã hội, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Họ không hiểu nên thường tới gặp, than vãn. Lúc đó, mình phải kiên trì, nhẫn nại tư vấn cặn kẽ các chế độ người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng, lâu dần họ cũng hiểu ra, đồng tình”, anh Xuân chia sẻ.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Phú Yên là tỉnh có địa hình phức tạp, kinh tế - xã hội khó khăn, còn nhiều đối tượng cần trợ giúp xã hội. Tỉnh đã và đang nỗ lực phát triển nghề CTXH, tiến tới đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát, những người làm CTXH đã cùng chung tay để phòng chống dịch bệnh, trợ giúp các đối tượng yếu thế bằng nhiều cách khác nhau.
Đa dạng dịch vụ
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB-XH, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn. Số lượng người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH ngày càng gia tăng. Đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của CTXH ngày càng tăng, như nhóm người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, người nghiện ma túy, phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội có các vấn đề xã hội…
Trong kế hoạch triển khai đề án CTXH giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 60% cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trường học, bệnh viện và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm CTXH.
Do đó, thời gian tới, theo bà Phạm Thị Minh Hiền, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân. Tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. “Dù có khó khăn, nhưng để phát triển nghề CTXH, tỉnh phấn đấu năm 2022, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng diện người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của trung ương. Đồng thời phấn đấu 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện”, bà Hiền cho biết.
HOÀNG LÊ - NGỌC MINH