Lồng ghép giới (LGG) là một biện pháp quan trọng để đạt được mục tiêu bình đẳng giới (BĐG); là quá trình đưa yếu tố giới vào chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để đáp ứng nhu cầu giới. Đồng thời là cách thức đưa quan điểm BĐG vào mọi thiết chế, chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển của xã hội và cộng đồng nhằm đem lại lợi ích cho cả nam và nữ.
LGG trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND rất cần thiết, một mặt vì sự tuân thủ các quy định của pháp luật, mặt khác vì Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc quyết định chính sách của quốc gia, của địa phương và có tác động rất lớn tới việc thực hiện BĐG.
Còn khác biệt trong nhận thức
Lồng ghép vấn đề BĐG trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được quy định tại Điều 21 Luật BĐG năm 2006, trong đó quy định cụ thể những nội dung cơ bản khi lồng ghép vấn đề BĐG, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL, trách nhiệm của cơ quan thẩm định VBQPPL và trách nhiệm của Chính phủ. Các điều 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 trong Luật BĐG năm 2006 cũng đã quy định về BĐG trên các lĩnh vực chính trị, y tế, giáo dục, việc làm, gia đình… Đồng thời, khoản 2 Điều 36 quy định HĐND, đại biểu HĐND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về BĐG tại địa phương. Thông tư 17/2014/TT-BTP quy định về lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng VBQPPL.
Có thể nói, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều văn bản ban hành liên quan đến lĩnh vực BĐG và hoạt động LGG trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, do đó kết quả vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra; LGG trong việc thực thi các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự rõ nét. Trong các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa có số liệu tách biệt giới (nam/nữ) để có sự so sánh.
Nguyên nhân của vấn đề nói trên là sự khác biệt trong nhận thức và kỹ năng về LGG. Cụ thể là nhận thức chưa đầy đủ về LGG và trách nhiệm thực hiện LGG từ lãnh đạo đến công chức của các cơ quan; thiếu kinh nghiệm và công cụ kỹ thuật thực hiện LGG; thiếu sự kết hợp giữa các chuyên gia giới với chuyên gia pháp luật và chuyên gia trong từng lĩnh vực…
Những vấn đề còn thiếu về LGG trong xây dựng pháp luật gồm thiếu sự quan tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo; thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia am hiểu về giới và LGG ở các cơ quan, tổ chức; thiếu cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động để đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất; thiếu kinh nghiệm trong thu thập thông tin để xử lý và đề xuất giải pháp…
Tăng cường chức năng giám sát
Thời gian qua, trong hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh luôn quan tâm đến chất lượng của đại biểu. Ngoài việc thực hiện theo luật định, đại biểu phải báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ của đại biểu với cử tri nơi mình ra ứng cử vào kỳ tiếp xúc cử tri cuối năm. Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu đại biểu phải báo cáo với Ủy ban MTTQ tỉnh về kết quả thực hiện lời hứa của đại biểu với cử tri (theo chương trình hành động đại biểu đã xây dựng khi vận động bầu cử) hàng năm để Ủy ban MTTQ theo dõi và tổng hợp thông báo kết quả tại kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên đề cho đại biểu là trưởng, phó ban HĐND cấp huyện; trong đó tập trung vào các kỹ năng thẩm tra, giám sát, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu, nhất là các đại biểu mới tham gia nhiệm kỳ đầu.
Trong quá trình thẩm tra các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh, các ngành trình HĐND, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh luôn quan tâm, đặt vấn đề về yếu tố giới, các chỉ số LGG trong các chính sách, nhất là trong thẩm tra các tờ trình dự thảo nghị quyết ban hành những chính sách đặc thù của tỉnh; yêu cầu UBND tỉnh và các ngành có sự đánh giá kết quả thực hiện các chỉ số về BĐG hàng năm theo mục tiêu đề ra và thực hiện có hiệu quả việc áp dụng bộ chỉ số về giới trong truyền thông.
Trong hoạt động giám sát của thường trực, các ban HĐND và đại biểu HĐND có những kiến nghị, đề xuất đưa LGG vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu…; tăng cường chức năng giám sát của đại biểu đối với hoạt động LGG trong các lĩnh vực của đời sống xã hội: việc làm, y tế, đào tạo, BHXH…
Phát huy vai trò của đại biểu trong các hoạt động tham gia thảo luận xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND, nhất là các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, việc làm, các chương trình mục tiêu, các chính sách đặc thù của địa phương: chính sách về thu hút đào tạo nguồn nhân lực; chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ bác sĩ; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người lao động; chính sách về BHXH, BHYT…; quan tâm đến việc đề ra các chỉ số LGG trong chính sách để thực hiện.
Ngoài ra, nữ đại biểu không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tự khẳng định mình; xây dựng uy tín của bản thân trong HĐND và trước cử tri. Nữ đại biểu chủ động đề xuất những vấn đề liên quan đến yếu tố giới, hoạt động LGG như: bố trí kinh phí, việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về BĐG… Đồng thời kết nối để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các đại biểu nữ khác, kể cả các đại biểu nam để khi vấn đề mình đưa ra có sự đồng thuận cao và mang tính khả thi.
Có thể nói, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều văn bản ban hành liên quan đến lĩnh vực BĐG và hoạt động LGG trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, do đó kết quả vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra; LGG trong việc thực thi các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự rõ nét. Trong các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa có số liệu tách biệt giới (nam/nữ) để có sự so sánh.
ĐẶNG THỊ HỒNG NGA
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh