Thứ Năm, 03/10/2024 01:14 SA
Giải quyết tình trạng bạo lực gia đình:
Để không còn “may nhờ rủi chịu”
Thứ Ba, 12/08/2008 10:35 SA

Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008, cho thấy PCBLGĐ không còn là chuyện riêng, mỗi gia đình “đóng cửa bảo nhau” mà là một vấn đề lớn đang được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, làm thế nào để Luật PCBLGĐ thực sự đi vào cuộc sống, để các nạn nhân của BLGĐ biết cách tự bảo vệ mình thay vì nhẫn nhục, cam chịu?

 

giao-luu-080812.jpg

Tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ  – Ảnh: P.V

 

ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG

 

17 ngày sau khi Luật PCBLGĐ có hiệu lực thi hành, Hội Liên hiệp Phụ nữ  (LHPN) huyện Đông Hòa phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức đợt truyền thông Luật PCBLGĐ cho hơn 650 phụ nữ tại 10 thôn trên địa bàn Đông Hòa. Những địa phương được truyền thông nằm ở vùng khó khăn, cách xa trung tâm các xã, việc đi lại không dễ dàng, trong khi có chị vẫn chưa biết đi xe đạp, nếu tập hợp chị em về xã thì rất trở ngại. Vì thế, cán bộ Hội Phụ nữ, Tư pháp huyện lặn lội xuống từng thôn để tuyên truyền trực tiếp. 

 

Chưa đến 2g chiều, nhưng hầu hết phụ nữ ở Phước Giang (xã Hòa Tâm) đã có mặt đông đủ tại trụ sở thôn. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Hòa Nguyễn Thị Lệ nói: “Chị em ở đây rất vui khi biết có cán bộ ở huyện về tại thôn truyền thông Luật PCBLGĐ. Trước đây, do suy nghĩ chuyện gia đình vợ chồng “đóng cửa bảo nhau” mà có không ít chị em phải chịu uất ức, thiệt thòi, thì nay họ được cả cộng đồng quan tâm, chia sẻ”.

 

 Sau khi nghe cán bộ huyện nói về biện pháp phòng chống BLGĐ, các quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, những hành vi BLGĐ… nhiều chị em rất ngạc nhiên. Đây là lần đầu, họ được biết ngoài hành vi BLGĐ về thể chất như đánh đập còn có cả bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực về kinh tế.

 

Bà Phạm Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đông Hòa, cho hay: Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ BHGĐ là hành vi đánh đập của người chồng đối với vợ con mình. Trong khi thực chất, BLGĐ là bất kỳ hành động bạo lực nào của các thành viên trong gia đình gây đau khổ hoặc dẫn đến những tổn thất về thân thể, tình dục hay tâm lý cho các thành viên khác. Bạo lực giới trong gia đình nói riêng phần lớn là do nam giới gây ra với phụ nữ, nhưng cần thấy rằng, cũng còn có bạo lực của phụ nữ đối với nam giới. Các cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy có khoảng 9-10% trường hợp nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới và thủ phạm chính là những bà vợ. Vì thế, qua đợt truyền thông này, chúng tôi muốn chị em có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng BLGĐ. 

 

 Chị Lê Thị Mười, 32 tuổi, phấn khởi: “Tôi cũng như nhiều chị em ở đây, quanh năm lo làm ăn nên ít khi biết đến luật pháp. Với tôi, buổi truyền thông này thực sự bổ ích. Bây giờ, ngoài Luật PCBLGĐ, chúng tôi còn biết nhiều thông tin về Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em… để xây dựng gia đình mình tốt hơn”. 

 

VÌ MỘT MÁI ẤM KHÔNG CÓ BẠO LỰC

 

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng BLGĐ chính là sự bất bình đẳng giới, xuất phát từ tư tưởng và quan niệm “trọng nam khinh nữ” của nhiều đàn ông. Tư tưởng cam chịu của nhiều phụ nữ cũng là nguyên nhân khiến BLGĐ gia tăng. Quan niệm lấy chồng “may nhờ, rủi chịu” và sự tự ti, lệ thuộc, không dám ly hôn đã đẩy không ít phụ nữ đến tình cảnh thương tâm… Hiện nay, tình trạng BLGĐ diễn ra rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng và nghiêm trọng hơn về tính chất, mức độ. Vì thế, không thể điều chỉnh hành vi bạo lực bằng đạo đức, dư luận xã hội, mà cần phải xử lý nghiêm khắc.

 

Luật PCBLGĐ có 6 chương, 46 điều ra đời là cơ hội để nhiều người nhận thấy rằng khi việc của mình không thể giải quyết trong nội bộ gia đình, thì nên đưa ra cộng đồng để các cơ quan nhà nước bảo vệ và giúp đỡ. Đạo luật này là cơ sở pháp lý để có thể ngăn chặn, giải quyết nạn BLGĐ, bảo vệ những nạn nhân bị BLGĐ. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để đạo luật này đi vào cuộc sống, để việc phòng chống BLGĐ được đồng bộ, thực hiện mục tiêu tăng cường phòng chống BLGĐ và giảm tỉ lệ BLGĐ bình quân hàng năm từ 10 - 15% theo Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010. Chủ tịch Hội LHPN Phú Yên Cao Thị Hòa An nói: Một trong những chức năng quan trọng nhất của Hội LHPN là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Vì vậy, ngăn ngừa tình trạng BLGĐ luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội. Đây còn là một trong số các biện pháp để xây dựng mô hình gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Để thực hiện được điều này, nhiều năm qua, các cấp Hội đã tập trung xây dựng các đề án xóa đói giảm nghèo, thành lập các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, gia đình hạnh phúc nhằm nâng cao nhận thức cho chị em trong việc nuôi dạy con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, cách ứng xử trong gia đình… Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những biện pháp hỗ trợ từ phía tổ chức Hội. Để giải quyết triệt để tình trạng BLGĐ, quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông Luật PC BLGĐ từ bộ máy chính quyền địa phương đến các tổ chức, cộng đồng dân cư và sự tham gia của chính nạn nhân bị BLGĐ. Một điều quan trọng nữa là không chỉ cóù phụ nữ mà cả nam giới cũng rất cần nâng cao nhận thức về nguyên nhân, bản chất, hậu quả của hành vi BLGĐ để có thái độ đúng đắn khi giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong gia đình, cùng hướng đến xây dựng một mái ấm không có bạo lực.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek