Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Phú Yên vẫn còn tồn tại. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chất lượng dân số, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS Phú Yên.
Làm mẹ từ thuở 13
H’Lanh ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa bắt chồng khi mới 15 tuổi. 25 tuổi, H’Lanh đã qua 2 đời chồng và sinh 3 đứa con nhỏ. Đứa lớn nhất năm nay 8 tuổi và đứa nhỏ nhất chỉ mới hơn 1 tuổi. Vì lấy chồng sớm, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, lại sinh con liên tiếp cộng với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đã khiến cơ thể H’Lanh suy nhược. Sinh đứa con thứ ba, H’Lanh phát hiện mình mắc bệnh tim và xơ gan. Cả hai người chồng đều bỏ đi, để lại H’Lanh cùng 3 đứa con nhỏ không biết bấu víu vào đâu.
Năm 2021, hai em Huynh Y Rô và Ksor Hờ BLít ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh lấy nhau. Lúc này, Ksor Hờ BLít mới 14 tuổi. Y Rô mồ côi cha lúc mới lên 3, nhà đông anh em, Y Rô không được đi học chữ, hàng ngày chỉ biết theo mẹ làm rẫy. Sau khi về nhà vợ, Y Rô cũng chỉ quanh quẩn nuôi bò, trồng sắn và làm thuê kiếm tiền lo cho gia đình. Gia đình thuộc hộ nghèo, vợ thì nhỏ tuổi và đang mang thai nên không làm gì ra tiền. Không đủ cái ăn, hàng ngày phải đi bắt cá về cho gia đình cải thiện bữa cơm, Y Rô nói: “Lấy vợ xong rồi, em chỉ lo đi làm, không đi chơi như thanh niên nữa. Lấy vợ sớm, rất khổ”.
Còn ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, vợ chồng em La O Linh đến với nhau lúc chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật. Dù hai bên gia đình can ngăn, nhưng Linh và Nhung vẫn nhất quyết đến với nhau. Có thai ngoài ý muốn khiến Nhung đang học lớp 9 phải bỏ học giữa chừng. Không nghề nghiệp, không đất đai ruộng rẫy, hai vợ chồng La O Linh hàng ngày chỉ biết làm thuê kiếm sống qua ngày, cuộc sống rất khó khăn.
Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS ở các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Nhiều cặp vợ chồng chưa thể đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhiều em mới 13, 17 tuổi đã phải làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha. Theo các thống kê của ngành chức năng, tảo hôn và sinh con sớm đã làm tăng gấp 2 tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi; tăng tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ em từ 1-5 tuổi; tăng tỉ lệ tử vong của các bà mẹ mang thai sớm so với những người trên 20 tuổi. Nhiều trường hợp con em của các cặp vợ chồng tảo hôn không được đi học, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa tinh thần. Chị Hà Thị Thìn, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, nói: “Dù Đảng ủy, chính quyền, cán bộ các ban ngành, hội, đoàn thể, cán bộ dân số địa phương đã rất nhiều lần tuyên truyền vận động bà con, tuy nhiên vẫn không ngăn được chuyện nhiều em đến với nhau khi tuổi còn nhỏ, nhiều em còn dọa nếu địa phương làm căng không cho chúng lấy nhau chúng sẽ tự tử...”.
Hệ lụy của hôn nhân cận huyết
Cùng với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, thất học, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chất lượng dân số. Thực tế, tục lệ kết hôn nội tộc đã có từ xa xưa do quan niệm nước tốt không chảy vào ruộng người, cùng với đó là nỗi lo phải giữ của cải trong dòng họ. Nhiều dòng họ không muốn người ngoài vào làm con cháu trong nhà nên ngay từ khi con trẻ mới sinh đã được cha mẹ sắp đặt việc cưới xin. Nguyên nhân khiến tập tục lạc hậu này vẫn còn tồn tại là do trình độ dân trí, nhận thức, hiểu biết còn hạn chế của người dân ở nhiều xã vùng cao.
Mẹ của Ksor H’Linh và cha của Kpa Y Tuấn (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) là anh em ruột, nhưng H’Linh và Y Tuấn vẫn quyết lấy nhau, đã có một con trai. Tuy con trai phát triển bình thường nhưng H’Linh rất lo lắng cho tương lai của con. Ksor H’Linh nói: “Hai bên gia đình không cho cưới, nhưng lúc đó tụi em còn trẻ, suy nghĩ nông nổi, nên đã quyết cưới nhau. Em cũng biết lấy người cận huyết thống, con mình dễ bị khuyết tật nên cũng rất lo”.
Ksor Hờ Prai ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) lấy chồng khi mới 16 tuổi. Prai sinh được 2 đứa con trai, con đầu sinh năm 2009, biết đi, biết nghe nhưng không biết nói, còn đứa con thứ hai sinh năm 2015, biết nói, biết nghe nhưng lại không đi được. Đây là hệ quả của tục kết hôn nội tộc thế hệ thứ ba. Bà của Prai với ông của chồng Prai là anh em ruột. Vậy nên khi hai cháu kết hôn thì sinh ra những đứa con bị khiếm khuyết. Thấy con bị tật nên chồng Prai đã bỏ đi, giờ đây ba mẹ con sống trong ngôi nhà cũ dột nát. Nhà nghèo, con bệnh tật, Prai chỉ quanh quẩn ở nhà chăm con, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Nỗ lực ngăn chặn
Y học đã chứng minh, hôn nhân cận huyết là “cơ hội” để các gen lặn phát triển. Những cặp gen bệnh lý ở cả cha và mẹ kết hợp với nhau sẽ sinh ra những đứa con không bình thường. Đặc biệt đối với các cặp vợ chồng có mối quan hệ 3 đời kết hôn với nhau, thì những đứa trẻ sinh ra sẽ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh dị dạng hoặc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, nhất là bệnh tan máu bẩm sinh. Ngoài ra, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển về trí tuệ và tỉ lệ tử vong sơ sinh cũng cao hơn những đứa trẻ có cha mẹ không cùng huyết thống.
Kết hôn là quyền con người, nhưng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước Việt Nam. Chỉ khi kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nữ đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi, khi đó nam nữ thanh niên đã hoàn thiện về thể chất, tinh thần, nhận thức mới có thể xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên chia sẻ: “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, đi ngược với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tác hại và ảnh hưởng của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với bản thân và gia đình là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực. Trước thực trạng này, nhiều năm nay, cùng với sự tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành Dân số Phú Yên triển khai đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025” (theo Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ), tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Trưởng phòng phụ trách Dân số và y tế cơ sở thuộc Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân, sau nhiều năm tuyên truyền vận động, bà con trên địa bàn đã nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Việc kết hôn cận huyết thống không còn nhiều trong vùng đồng bào DTTS, chủ yếu là còn tình trạng tảo hôn. Để xóa bỏ nạn tảo hôn không chỉ trong một sớm một chiều mà đòi hỏi một sự nỗ lực, quyết tâm bằng nhiều giải pháp cụ thể của cả hệ thống chính trị và xã hội trong việc chuyển đổi nhận thức và hành vi hôn nhân đối với bà con vùng đồng bào DTTS.
NGUYỄN YÊN - KHÁNH NGỌC