Hỗ trợ vay vốn không thế chấp, giải ngân nhanh, không cần thẩm định, hồ sơ bao đậu, kể cả có nợ xấu… là những lời chào mời vay vốn nhan nhản trên mạng xã hội hiện nay. Tuy nhiên, không ít trong số đó là bẫy cho vay lãi suất cao, đòi nợ rát, khiến người vay khốn đốn.
Những lời chào mời vay vốn với thủ tục nhanh gọn, hỗ trợ nợ xấu, không cần chứng minh thu nhập... nhan nhản trên các trang mạng xã hội hiện nay. Ảnh: LÊ HẢO |
Nhan nhản trên mạng xã hội
Lướt mạng xã hội Zalo, Facebook, người ta dễ dàng thấy nhiều lời chào mời cho vay tiền tại các fanpage hoặc tài khoản cá nhân, với điều kiện vay dễ dàng, giải ngân nhanh, bất chấp có nợ xấu. Hạn mức vay lên đến 500 triệu đồng, trả góp theo tháng từ vài trăm ngàn đến hơn 10 triệu đồng tùy thời gian vay.
Trong vai tiểu thương đang cần tiền gấp để nhập hàng, chúng tôi liên hệ với một số tài khoản nói trên để đặt vấn đề vay tiền. Điều kỳ lạ là mặc dù họ để lại số điện thoại nhưng khi chúng tôi liên hệ qua cuộc gọi thông thường thì “thuê bao không liên lạc được”. Chúng tôi chỉ có thể kết bạn Zalo và nhận tư vấn qua kênh này.
Trao đổi với chúng tôi qua Zalo, người có tài khoản Nguyễn Anh Khang cho biết mình là nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong có trụ sở tại Hà Nội. Người này tư vấn thủ tục vay vốn rất đơn giản, chỉ cần có ảnh chụp rõ nét hai mặt chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy phép lái xe, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để nhận tiền giải ngân, ảnh chân dung hoặc ảnh 3x4 và hình chụp chữ ký của người vay là được. Sau khi nhận thông tin, Khang sẽ hỗ trợ làm hồ sơ online cho khách hàng và đảm bảo hồ sơ được phê duyệt ngay trong ngày. “Kể cả khách hàng có nợ xấu, nợ chú ý cũng vay được. Phí dịch vụ để hoàn tất các giấy tờ còn thiếu và bao đậu hồ sơ là 3,7 triệu đồng”, Khang nói.
Theo Khang, giấy tờ còn thiếu có thể là giấy phép đăng ký kinh doanh, sao kê bảng lương nhân viên, sổ bảo hiểm xã hội… nhằm hợp thức hóa để người vay có thể được hưởng lãi suất như một doanh nghiệp.
Tương tự, qua Zalo, một tài khoản tên Kim Ngọc cho hay đang hỗ trợ gói vay nhanh, nhận tiền sau 60 phút khi hoàn thành thủ tục vay, có hợp đồng vay được xét duyệt từ ngân hàng. Hồ sơ bao đậu 100%, không cần thẩm định, không gọi người thân, hỗ trợ cho cả nợ xấu, nợ chú ý. Phí dịch vụ để mua hồ sơ vay nhanh là 1 triệu đồng.
“Bên em sẽ gửi hồ sơ lên giám đốc duyệt. Khi nào hồ sơ được duyệt thì em sẽ gửi hợp đồng để mình kiểm tra và xác nhận. Lúc này mình bắt buộc phải đóng phí là 1 triệu đồng và đợi tầm 30 phút sẽ có nhân viên liên hệ giải ngân. Nhận được hợp đồng vay từ ngân hàng xong là mình đóng phí chứ không phải đợi tiền về trong tài khoản rồi mới đóng phí. Nếu nhận được hợp đồng nhưng mình không chịu đóng phí thì chắc chắn sẽ không nhận được tiền”, Kim Ngọc tư vấn.
Liên hệ thêm với một số tài khoản chào mời vay nhanh khác, chúng tôi cũng được giới thiệu những gói vay tương tự. Những người này còn cho biết khi vay online, thủ tục sẽ đơn giản, thời gian giải ngân nhanh, lại được “bao đậu hồ sơ”. Còn nếu đến trụ sở ngân hàng để vay vốn thì mất vài ngày, khách hàng phải tự hoàn thiện giấy tờ, phải thế chấp tài sản, cung cấp số điện thoại người thân… nhưng “không bao đậu”.
Không đúng quy định
Liên quan đến những lời chào mời vay vốn như trên, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết khi liên lạc với khách hàng, người cho vay có thể tự xưng là nhân viên ngân hàng nhưng khi giao hợp đồng thì lại là của một công ty tài chính thuộc ngân hàng đó. Nếu không chú ý, hợp đồng của khách hàng sẽ ký với công ty tài chính chứ không phải ngân hàng như giới thiệu ban đầu.
Theo đại diện các ngân hàng, khi chưa nhận được hồ sơ vay vốn, không nhân viên ngân hàng nào có thể “bao đậu”. Đặc biệt, với khách hàng đang có nợ xấu, ngân hàng đều từ chối cho vay. “Đối với việc cho vay online, hiện VPBank đang có một số sản phẩm cho vay tiêu dùng, mua xe ô tô, xây/sửa nhà ở có thể tiếp nhận hồ sơ vay vốn qua mạng. Tuy nhiên, sau khi làm xong hồ sơ qua mạng và được phê duyệt, nhân viên ngân hàng sẽ gọi điện, gặp trực tiếp khách hàng để hoàn tất thủ tục vay vốn”, ông Lê Trọng Lưu, Giám đốc VPBank Phú Yên cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Khánh, Giám đốc MB Phú Yên, dù có thẩm định hồ sơ cho vay online qua app, ngân hàng cũng yêu cầu khách hàng phải trực tiếp đến trụ sở chi nhánh để ký hồ sơ vay vốn. “Ngân hàng không có chủ trương cho nhân viên chào mời trên mạng xã hội với những thông tin như cho vay nhanh, bao nợ xấu… Bởi đối với khách hàng có nợ xấu, ngân hàng tuyệt đối không duyệt hồ sơ”, ông Khánh nói.
Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cũng khẳng định: Hiện nhiều ngân hàng triển khai mô hình nhà máy tín dụng, có thể xét duyệt hồ sơ vay vốn online. Tuy nhiên, đối với khách hàng có nợ xấu, ngân hàng và kể cả công ty tài chính cũng không thể cho vay. Bởi cho vay là sai quy định. Thế nên, đối với những lời chào mời vay vốn “bao nợ xấu”, người dân phải cẩn trọng.
Theo ông Lĩnh, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách trên địa bàn tỉnh đang cung cấp rất nhiều gói cho vay phù hợp với các đối tượng khách hàng để phục vụ những nhu cầu khác nhau trong cuộc sống, kể cả sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Vì vậy, khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm đến những kênh cho vay chính thống để được đảm bảo quyền lợi.
Rủi ro lãi suất cao, đòi nợ rát
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và cả cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo về các thủ đoạn cho vay nhanh bởi rất dễ sa vào bẫy lừa đảo, tín dụng đen… nhưng vì nhiều lý do, không ít người vẫn tìm đến những kênh tín dụng phi chính thống này khi cần vốn.
Chị Phạm Thị Mỹ Anh ở phường 4, TP Tuy Hòa cho biết: Một lần xem được thông tin về cho vay nhanh, lãi suất thấp, không cần chứng minh thu nhập trên mạng xã hội, tôi đã liên hệ vay 30 triệu đồng trong 2 năm, trả cố định hàng tháng tầm 1,5 triệu đồng. Trong vài tháng đầu, tin nhắn nhắc nợ đúng số tiền đó nhưng về sau, tiền nhảy lên lúc thì 1,8 triệu đồng, lúc 2 triệu đồng, lúc lại lên đến 2,4-2,5 triệu đồng. Tôi thắc mắc thì họ bảo đó là một số khoản phí phát sinh trong quá trình cho vay. Chưa kể, mỗi tháng gần tới ngày trả, tôi nhận hơn hàng chục cuộc gọi nhắc nợ với thái độ và lời lẽ rất khó chịu. Khi tôi đặt vấn đề trả nợ trước hạn thì họ bảo phải bù vào một khoản phí theo quy định. Lúc này tôi mới hiểu cái bẫy của việc cho vay tiền nhanh chính là những điều khoản phụ mà ít người vay nào chú ý đến.
Còn anh T.M.T ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa cho hay: Những người cho vay tiền nhanh nói không cần cung cấp số điện thoại người thân nhưng không hiểu sao họ vẫn tra ra địa chỉ, số điện thoại và cả nơi làm việc của người tôi quen. Từ đó, họ liên tục gọi điện “khủng bố” mọi người khi tôi kẹt tiền, chậm trả nợ. Khi tôi đã trả xong thì mấy tháng liền sau đó, họ lại thường xuyên gọi điện chào mời vay vốn tiếp. Rất phiền!
Theo các cơ quan chức năng, việc vay tiền online tiềm ẩn hai rủi ro lớn. Một là khách hàng phải trả một khoản lãi cao hơn dự tính vì các điều khoản phụ hoặc mất tiền chuyển khoản trước vì bên cho vay là lừa đảo. Hai là khách hàng sẽ bị mất thông tin cá nhân (ảnh chân dung, chứng minh nhân dân/căn cước công dân) vào tay những người cho vay ẩn danh, hậu quả khó lường hơn. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp người vay trả tiền trễ liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn “khủng bố” yêu cầu trả nợ, nếu không thông tin cá nhân sẽ bị rêu rao, bêu xấu trên mạng xã hội, khiến người vay lâm vào cảnh khốn đốn.
LÊ HẢO