Được ví như cánh tay nối dài của ngành Dân số, cộng tác viên cơ sở là kênh thông tin chính chuyển tải các chủ trương, chính sách về dân số, giúp người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, hoàn thành các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ. Vì vậy, việc nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cộng tác viên dân số là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Cộng tác viên (CTV) dân số là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động người dân các địa phương thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số. Là người sống ở cộng đồng, gần dân, sát cơ sở, nên hầu như đội ngũ này nắm bắt nhanh nhu cầu, đặc điểm, hoàn cảnh sống của các hộ gia đình, phong tục tập quán của người dân trên địa bàn để từ đó có những cách thức tiếp cận, tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng.
Với phương châm tuyên truyền cặn kẽ, kiên trì, đi từng ngõ, gõ từng nhà, mưa dầm thấm lâu, họ đã đưa các chính sách DS-KHHGĐ đến với Nhân dân; vận động người dân có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi có lợi cho sức khỏe. Không những thế, CTV dân số còn giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em… để đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng địa phương. Chị Siêu Thị Mẹo, CTV dân số ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa chia sẻ: “Mình tuyên truyền cho bà con không chỉ tại các buổi sinh hoạt ở thôn mà còn thông qua các buổi đi rẫy, trồng sắn, trồng mía... Hễ có dịp là mình gần gũi, trò chuyện với bà con, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở trong thôn Tân Thuận - địa bàn mình phụ trách”.
Nhờ nhiều năm tích cực tuyên truyền mà công tác dân số ở xã Sơn Hội, nhất là thôn Tân Thuận có nhiều chuyển biến tích cực. 5 năm nay, thôn Tân Thuận không có gia đình nào sinh con thứ ba. Các đôi vợ chồng trẻ trong độ tuổi sinh đẻ ở Tân Thuận ngày càng quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp tránh thai. Nhiều bà mẹ trẻ nắm bắt cách thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, biết cách nuôi con khỏe dạy con ngoan. Chị Hờ Lệ - một bà mẹ trẻ ở Tân Thuận bày tỏ: Nhờ có chị Mẹo mà bản thân chị cũng như nhiều chị em ở trong thôn được tư vấn cách thức làm mẹ an toàn, nuôi dạy con cái theo phương pháp khoa học, xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc.
Chị Phạm Thị Diệu Huyền, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An chia sẻ, 3 năm tham gia làm CTV dân số, bản thân chị hầu như nắm bắt kịp thời hoàn cảnh của các gia đình ở địa bàn phụ trách. Lúc đầu, chị cùng cán bộ các hội, đoàn thể địa phương tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động người dân không sinh con thứ ba… tuy nhiên số lượng các gia đình trên địa bàn hợp tác thực hiện không nhiều. Sau thời gian cố gắng kiên trì vận động, lâu ngày các gia đình cũng đồng tình hưởng ứng. Nhiều người đã thay đổi quan niệm trời sinh voi sinh cỏ, định kiến trọng nam khinh nữ như trước đây mà chỉ sinh từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt.
Trang bị kiến thức, kỹ năng
Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa là người có nhiều năm gắn bó với công việc CTV dân số ở địa phương. Chị Lan cho hay, công việc của chị là tiếp cận, tuyên truyền, hỗ trợ các gia đình có nguy cơ sinh con thứ ba, các gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn có khả năng ly hôn do định kiến giới. Lúc mới nhận công việc này, chị Lan chưa có nhiều kỹ năng giao tiếp cũng như kiến thức sâu rộng để tuyên truyền cho người dân địa phương nên khá lúng túng. Sau khi chị tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân số do Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên tổ chức thì công việc thuận lợi hơn. Chị Lan cho biết: “Bản thân tôi được trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng từ các lớp tập huấn về DS-KHHGĐ nên cảm thấy tự tin hơn trong quá trình tuyên truyền, tư vấn người dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp KHHGĐ, nuôi dạy con tốt, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.
Hiện toàn tỉnh có trên 600 CTV dân số ở các địa phương. Tuy nhiên, theo như ngành Dân số, hiện nay đầu việc tăng, số lượng CTV dân số cắt giảm mạnh, trong khi đó mức bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số rất thấp, bình quân 150.000-200.000 đồng/người/tháng (ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa). Vì vậy, để đảm bảo cho cuộc sống, công việc của CTV dân số rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng đối với mức trợ cấp hàng tháng cho đội ngũ này.
Bên cạnh duy trì, củng cố đội ngũ CTV dân số, thì việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành Dân số Phú Yên. Hầu hết các buổi tập huấn được phân chia 2 phần: kiến thức và kỹ năng, với từng nội dung, vấn đề nhỏ trong công tác dân số để CTV dễ tiếp nhận. Công tác dân số hiện nay không đặt nặng KHHGĐ, mà thay bằng khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con, duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu đến năm 2030 tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở vùng có mức sinh thấp. Trong thời gian tới, chi cục sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề về tư vấn sức khỏe trước hôn nhân, tầm soát chẩn đoán điều trị trước sinh và sơ sinh... cho các địa phương, những người có uy tín trong cộng đồng để chung tay góp phần nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà - bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho biết thêm.
Công tác dân số ngày càng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn theo tình hình phát triển của xã hội. Vì vậy, ngoài việc tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức tại các buổi tập huấn, bản thân mỗi CTV dân số cần biết những ứng dụng công nghệ thông tin và nhanh nhạy nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con tại cơ sở. Từ đó kịp thời tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chính sách về DS-KHHGĐ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ |
KHÁNH NGỌC - THỤY YÊN