Từ cuối tháng 3 đến nay, cả nước xảy ra hàng chục vụ trẻ em bị đuối nước thương tâm, trong đó tại Phú Yên xảy ra 3 vụ khiến 3 trẻ tử vong. Vụ mới nhất xảy ra tại xã An Định vào ngày 2/5, khiến em T. V. N, học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Thánh Tông, xã An Dân (huyện Tuy An) tử vong.
Thực tế này đang gióng lên hồi chuông về tình trạng đuối nước ở lứa tuổi này, xảy ra bất cứ địa bàn nào, thành thị hay nông thôn và ở mọi địa hình như ao hồ, kênh mương cho đến sông suối, bãi biển… Trong đó, không ít vụ xảy ra chính từ sự chủ quan của trẻ em, lẫn sự thiếu quan tâm của người lớn.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, mỗi năm nước ta có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em, chiếm 48,8% tai nạn do thương tích. Đặc biệt, hàng năm, vào thời điểm mùa hè khi thời tiết nắng nóng, học sinh được nghỉ học, số vụ trẻ em tử vong do đuối nước lại tăng cao, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi và biên giới biển. Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước tăng cao, trong đó có cả nguyên nhân trẻ em không biết bơi hoặc trẻ em biết bơi nhưng lại chưa có kiến thức, kỹ năng để phòng, chống đuối nước nên khi gặp vùng nước nguy hiểm đã không thể xử lý tình huống.
Trước thực trạng đáng báo động này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trong đó, ngành GD-ĐT có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Cùng với đó là chính quyền các địa phương, các hội đoàn thể phải quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn cho trẻ em nhất là đuối nước. Vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em…
Đối với Phú Yên, năm nào UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền đối với việc thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt tại các địa phương, địa bàn xảy ra các vụ việc tai nạn thương tích nghiêm trọng và có trẻ em tử vong. Biểu dương, nhân rộng kịp thời những sáng kiến hay, mô hình tốt, đóng góp ý nghĩa của xã hội, gia đình, cộng đồng cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại địa phương, cơ sở. Ưu tiên ngân sách và vận động xã hội xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em.
Thế nhưng, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn xảy ra?
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, trong đó trẻ em có nguy cơ cao nhất, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh!. Muốn giảm được tình trạng đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với đó, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ; dạy các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi; giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian quan tâm, giám sát con cái một cách chặt chẽ hơn.
Mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu. Hy vọng rằng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự thay đổi trong nhận thức của các bậc phụ huynh, những lớp học bơi phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em sẽ được mở nhiều hơn trên tinh thần xã hội hóa, để trong thời gian tới xã hội không còn chứng kiến cảnh đuối nước thương tâm ở trẻ em đã xảy ra như trong thời gian qua.
NGUYỄN QUANG