Nắng nóng là thời điểm thường bùng phát bệnh dại ở vật nuôi, uy hiếp đến an toàn, tính mạng của con người. Để ngăn ngừa bệnh dại phát sinh, các địa phương, ngành Thú y đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại cho chó, mèo nuôi.
Hậu quả từ việc thả rông chó, mèo
Một thực trạng diễn ra khá phổ biến hiện nay là việc người dân thả chó, mèo nuôi ra đường hoặc đưa đến các nơi công cộng mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ theo quy định, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Bà Võ Thi Kim Tươi ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) cho biết: “Sau 5 đợt đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 ở TP Hồ Chí Minh điều trị, chi phí mấy chục triệu đồng nhưng con trai tôi vẫn chưa thể nói bình thường trở lại, giọng vẫn khàn đục và rất nhỏ”. Trước đó, cháu Lê Minh Sơn (5 tuổi), con trai bà Tươi đang trên đường đi tập thể dục buổi sáng cùng ba thì bị chó thả rông vồ vào cổ gây tổn thương nặng. Khi xảy ra việc này, không ai chịu nhận chó nuôi của mình nên gia đình bà Tươi phải gồng gánh chi phí phòng dại và điều trị thanh quản, lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cháu.
Còn theo ông T.V.T ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), vừa qua gia đình ông chi phí gần chục triệu đồng tiền thuốc men, tiền đi lại tiêm huyết thanh kháng dại đền bù cho 2 gia đình có con bị chó nuôi của gia đình ông cắn phải. “Lâu nay, con chó nuôi của gia đình vẫn chơi đùa với trẻ em trong xóm, không biết vì lý do gì hôm đó nó lại cắn mấy đứa nhỏ. Sau vụ việc đó, gia đình tôi nhốt chó trong nhà, không thả ra ngoài nữa”, ông T nói.
Tại TP Tuy Hòa, tình trạng đưa chó, mèo nuôi đến nơi công cộng mà không có dây xích và rọ mõm cũng xảy ra thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Hồng ở phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: Những ngày vừa qua, thời tiết oi bức nên nhiều người tập trung về quảng trường 1 Tháng 4 và công viên ven biển để hóng mát. Tuy nhiên, rất nhiều người lại đưa chó đến những nơi này mà không có dây xích dắt và rọ bọc mõm, uy hiếp đến an toàn sức khỏe của người khác. Chúng tôi kiến nghị các đơn vị chức năng có biện pháp nhắc nhở, xử phạt để người nuôi chó, mèo có ý thức và thực hiện đúng các quy định khi đưa vật nuôi đến nơi công cộng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc xử phạt hành chính đối với hành vi không tiêm phòng bệnh dại và không thực hiện đúng các quy định khi đưa vật nuôi ra ngoài thuộc thẩm quyền của chính quyền các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, lâu nay khi xảy ra vấn đề, các bên thường tự thỏa thuận hoặc không tìm thấy chủ vật nuôi nên các địa phương cũng chưa xử phạt trường hợp nào. Để khắc phục tình trạng chó, mèo thả rông, cần có những giải pháp quyết liệt hơn khi phát hiện các trường hợp thả rông hoặc đưa chó, mèo đến nơi công cộng mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Cần chủ động tiêm phòng
Để ngăn ngừa hiệu quả và tiến tới loại trừ bệnh dại khỏi cộng đồng, việc tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại cho chó, mèo nuôi là bắt buộc. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn chó, mèo nuôi toàn tỉnh khoảng 28.000 con. Mỗi năm từ tháng 3-4, giai đoạn thời tiết bắt đầu nắng nóng, tỉnh tổ chức ra quân tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Quản lý Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa, cho biết: Tổng đàn chó, mèo của huyện có khoảng 1.700 con. Từ đầu tháng 3 đến nay, huyện tập trung tiêm phòng vắc xin dại cho chúng. Hiện nay, đa số người dân cũng đã ý thức được bệnh dại vô cùng nguy hiểm nên rất phối hợp và chủ động trong việc tiêm phòng. Toàn huyện đã tiêm được 1.340 liều vắc xin ngừa bệnh dại cho chó, mèo nuôi và tiếp tục tổ chức tiêm cho đến hết tháng 4 kết thúc đợt tiêm chính, sau đó sẽ tiêm vét.
Không thuận lợi như vùng đồng bằng, ở các huyện miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tiêm phòng vắc xin dại gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, cho hay: Những năm gần đây, người dân địa phương phát triển đàn chó nuôi lấy thịt nên tổng đàn chó, mèo toàn huyện có xu hướng tăng. Hiện tổng đàn chó, mèo toàn huyện có khoảng 8.550 con, được nuôi tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các xã Ea Lâm, Ea Bá, Ea Bar và Ea Trol. Trong khi đó, hầu hết người dân đồng bào chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại và bà con phải chi trả toàn bộ chi phí tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại với khoảng 30.000 đồng/liều nên không phối hợp tiêm. Từ đầu tháng 3 đến nay, toàn huyện chỉ mới tiêm được 580 liều vắc xin ngừa bệnh dại, chủ yếu ở thị trấn Hai Riêng.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Bệnh dại động vật luôn có nguy cơ xảy ra rất cao do các yếu tố thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin dại còn thấp. Bình quân trong giai đoạn 2017-2021, tỉ lệ tiêm phòng dại của tỉnh chỉ đạt khoảng 56% tổng đàn. Để ngăn chặn, tiến tới loại trừ bệnh dại, người dân cần phải có ý thức và trách nhiệm tiêm phòng vắc xin ngừa dại cho chó, mèo nuôi của gia đình, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), trong giai đoạn 2017-2021, trên địa bàn tỉnh có 6 người tử vong do bệnh dại và 26.077 người phải điều trị dự phòng. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 1.385 người phải điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó, mèo cắn, cào. |
THỦY TIÊN