Thứ Năm, 28/11/2024 05:46 SA
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Thứ Bảy, 23/04/2022 11:00 SA

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu sử dụng internet, mạng xã hội là tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa. Đặc biệt, trong tình hình COVID-19, trẻ em rất dễ bị dụ dỗ vào hội nhóm xấu trên mạng xã hội. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng.

 

Hiện cả nước có khoảng 24,7 triệu trẻ em và 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet; trong đó, 43,4% trẻ em có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng/ngày. Thực tế, môi trường internet mang lại nhiều lợi ích, cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều cạm bẫy khó lường với nhóm trẻ chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

 

Trẻ em dễ bị sa bẫy

 

Hãy chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh: KIM CHI

Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) vừa phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cùng các đơn vị có liên quan rà soát, xử lý hơn 30 kênh, nhóm có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong đó, những kênh có số lượng thành viên là trẻ em rất lớn như TimmyTV với gần 768.000 thành viên, nhóm Team2K9 có hơn 821.000 thành viên. Giữa bối cảnh không gian mạng đầy rẫy cạm bẫy khó lường với trẻ em, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lúng túng trong xử lý các tình huống gặp phải khi con mình tham gia vào những nhóm có nội dung độc hại.

 

Chị Dương Thu Trâm (phường 8, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 9. Thời gian qua, bé học trực tuyến khá nhiều nên tôi rất lo lắng. Bởi lẽ, nếu các cháu có ý thức sử dụng mạng internet để tra cứu thông tin, nâng cao kiến thức học tập thì phụ huynh cũng đỡ lo. Đằng này, internet là kho kiến thức khổng lồ, có cả mặt trái của thông tin nên tôi rất sợ con tôi bị dụ dỗ, lôi kéo, nên cần phải cảnh giác”.

 

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, cho biết: Bình quân mỗi tháng, đường dây nóng tư vấn tâm lý của trung tâm (3890000) tiếp nhận gần 100 cuộc gọi của trẻ em liên quan đến vấn đề tâm lý. Trong đó, không ít cuộc gọi, các em phản ánh bị rủ rê tham gia website, mạng xã hội không lành mạnh. Nhiều phụ huynh cũng cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện con mình truy cập web đen, thông tin xấu trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà và nhờ trung tâm tư vấn hướng giải quyết.

 

Để trẻ em sử dụng internet an toàn

 

Trước thực trạng môi trường mạng rất bất lợi cho trẻ em, trong chương trình Bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh giao Sở TT-TT phối hợp, hướng dẫn các cơ quan báo chí, tổ chức cá nhân hoạt động trên môi trường mạng ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, vận động xã hội thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em, thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận, phản ánh thông tin về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em trong hoạt động thông tin, truyền thông. Rà soát, đề xuất các chính sách và giải pháp về công nghệ thông tin để thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, hình thành văn hóa số cho trẻ em, bảo đảm sự an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Xây dựng, hướng dẫn, thực hiện và phát triển mô hình tăng cường năng lực của trẻ em tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Hiện tại, các chế định pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại trên môi trường mạng nói riêng đã được ban hành khá đầy đủ, chi tiết và mang tính thiết thực, như Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng và các nghị định có liên quan. Tuy nhiên, do các chế định này chỉ mới được ban hành trong thời gian ngắn nên chưa thể triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả trong đời sống mà bằng chứng là các vụ việc về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng vẫn có chiều hướng gia tăng một cách tiêu cực.

 

“Để các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại trên môi trường mạng được đảm bảo thực hiện và thực sự đi vào đời sống thì cần triển khai đồng bộ các biện pháp cũng như sự chung tay của toàn xã hội. Các biện pháp tuyên truyền, phổ biến phải được ưu tiên hàng đầu nhằm mang đến cho trẻ em những thông tin cần thiết, đầy đủ về môi trường mạng. Đồng thời nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, các cơ quan đoàn thể địa phương, các doanh nghiệp và nhận thức của toàn xã hội về tính cấp bách, sự nguy hiểm, mặt trái của môi trường mạng khi tác động đến trẻ em để có sự phòng ngừa kịp thời, hiệu quả, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc, từng bước đảm bảo tối đa quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek