Thứ Năm, 28/11/2024 12:44 CH
Chung tay vì người khuyết tật
Thứ Hai, 18/04/2022 09:55 SA

Người khuyết tật mưu sinh trên địa bàn TP Tuy Hòa. Ảnh: KIM CHI

Thiết thực sẻ chia những mất mát, thiệt thòi với người khuyết tật (NKT), thời gian qua, Sở LĐ-TB-XH, các sở, ban ngành của tỉnh luôn nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, cải thiện chính sách để NKT có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

 

Hiện toàn tỉnh có hơn 26.700 NKT. Nguyên nhân khuyết tật do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rủi ro và các thảm họa thiên tai, bão lũ, bệnh tật. Trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là do hậu quả của chiến tranh bị nhiễm chất độc hóa học.

 

Chia sẻ khó khăn

 

Anh Lê Bá Dương, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Lúc nhỏ, tôi bị tai nạn nên cụt mất một cánh tay. Cuộc sống ở nông thôn khó nhọc nên tôi theo bạn vào TP Hồ Chí Minh bán vé số mưu sinh. Hai năm qua, vì dịch COVID-19, tôi về quê nên cuộc sống vất vả hơn. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần nên đời sống dần ổn định.

 

Còn chị Trần Thị Thảo ở thôn Đông Bình, xã Hòa An (huyện Phú Hòa), giờ đây chị đã có thể tự may những bộ quần áo cho khách để kiếm tiền chi tiêu hàng ngày. Mắc bệnh hiểm nghèo từ nhỏ, chị Thảo không thể nói được nhưng vẫn nhanh nhẹn, làm việc gọn gàng. Từ tháng 7/2019, chị được Nhà nước hỗ trợ học nghề may tại cơ sở gần nhà. Từ chỗ chưa biết gì về may vá, nhờ chăm chỉ, chịu khó cùng với sự hướng dẫn tận tình của chị Dương (chủ cơ sở may), chị Thảo có thể sống được với nghề.

 

Chị Dương chia sẻ: “Chị Thảo rất chăm chỉ, ngày nào cũng đến tiệm rất sớm để dọn dẹp bàn máy may ngăn nắp rồi chăm chú nghe tôi hướng dẫn từ cách cắt may đến từng đường kim mũi chỉ. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị Thảo đã có thể làm nghề. Hiện chị là thợ may chính tại cơ sở của tôi và được hưởng thù lao theo từng sản phẩm”.

 

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Mặc dù Phú Yên còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, việc tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp NKT, có nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ưu tiên cho NKT trên địa bàn tỉnh trong nhiều lĩnh vực y tế, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề, việc làm, hỗ trợ vật chất... thực sự góp phần đáng kể cho NKT được tiếp cận các dịch vụ xã hội.

 

Trong 10 năm qua (2011-2021), toàn tỉnh cấp trên 1.000 xe lăn, xe lắc cho NKT; cung cấp cặp nạng inox, cặp nạng gỗ, bàn chống inox, xe đạp, chân, tay giả phục hồi chức năng… giúp NKT trong tỉnh thuận lợi hơn trong cuộc sống hàng ngày. Trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, cấp thẻ BHYT cho 26.749 NKT; hỗ trợ học nghề cho 288 NKT, với tổng kinh phí trên 1,1 tỉ đồng, với các nghề chủ yếu như: mây tre đan, cắt tóc, kỹ thuật chế biến món ăn, may, sửa xe máy… Bên cạnh đó, Hội Người mù tỉnh còn kết nối, vận động tổ chức các lớp học nghề cho NKT khiếm thị. Công tác xã hội hóa trợ giúp NKT luôn được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng. Từ năm 2011-2020, tổng số tiền vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thông qua các chương trình, dự án là 34,3 tỉ đồng, với 17.459 trẻ em được thụ hưởng. Ngoài ra, các dự án viện trợ của tổ chức phi chính phủ cho NKT như: Tổ chức VinaCapital hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim cho trẻ em; Tổ chức Children Action, Thụy Sỹ hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim và hỗ trợ tập vở cho trẻ em; Tổ chức Holt hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Công tác giáo dục NKT nói chung, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật nói riêng được lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung, yêu cầu của các cấp quản lý.

 

Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, hội đoàn thể cũng tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp NKT như: Sở VH-TT-DL hỗ trợ và tạo điều kiện cho NKT tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí nhằm nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần, hòa nhập cộng đồng. Các đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt thì miễn, giảm 25% giá vé cho NKT nặng. Ngoài ra còn hỗ trợ NKT tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng công cộng; tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông; trợ giúp pháp lý cho NKT…

 

Trẻ em khuyết tật được các tổ chức y tế quan tâm, phẫu thuật miễn phí. Ảnh: KIM CHI

 

Tiếp tục hỗ trợ NKT vươn lên

 

Dù triển khai nhiều hoạt động, song theo đánh giá của tỉnh, công tác trợ giúp NKT vẫn còn gặp không ít khó khăn.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Cái khó nhất hiện nay là học nghề và tạo việc làm cho NKT, do khó tiếp cận với những ngành nghề nhất định. Do vậy, rất cần sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội để trợ giúp NKT có sinh kế ổn định, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, về kết cấu hạ tầng (giao thông, công trình xây dựng) có lối đi dành riêng cho NKT còn hạn chế nên việc tiếp cận sử dụng các công trình xây dựng, giao thông cho NKT gặp nhiều khó khăn. NKT còn mặc cảm trong việc tham gia các hoạt động trợ giúp cho họ như được hỗ trợ dạy nghề, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công cộng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Nhiều người còn chưa thực sự cố gắng để vượt qua khiếm khuyết, hòa nhập cùng cộng đồng và khẳng định bản thân. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách đối với NKT…

 

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, toàn tỉnh sẽ tập trung các hoạt động trợ giúp NKT với mục tiêu hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết: Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể triển khai chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp NKT. Thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho NKT. Tranh thủ, vận động các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức tặng xe lăn, xe lắc và dụng cụ phục hồi chức năng cho NKT; tư vấn học nghề theo khả năng của NKT. Xây dựng và nhân rộng một số mô hình dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho NKT theo chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề; xây dựng mô hình dạy nghề cho NKT tại các cơ sở, cộng đồng. Trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, giao thông; công nghệ thông tin và truyền thông. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho NKT thông qua các hoạt động thích hợp. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho NKT; hỗ trợ NKT trong việc tiếp cận các chính sách về an sinh xã hội...

 

Theo Sở LĐ-TB-XH, trong giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh phấn đấu có trên 600 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Trên 30% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật; 90% NKT tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định. Tỉ lệ NKT được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 50% tỉ lệ chung cả nước. Thành lập câu lạc bộ thể dục, thể thao dành cho NKT có thể tiếp cận, thu hút 20% NKT tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật…

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek