Thứ Năm, 28/11/2024 12:29 CH
Dành thời gian thư giãn, giảm áp lực cuộc sống
Thứ Bảy, 16/04/2022 13:21 CH

Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn là cách hiệu quả giúp giảm áp lực cuộc sống. Ảnh: THÁI HÀ

Công việc, đời sống, chuyện học của con… khiến nhiều người trưởng thành cảm thấy căng thẳng, áp lực. Vì vậy, việc dành thời gian cho bản thân và thư giãn đúng cách sẽ giúp ổn định tinh thần, phục hồi năng lượng, phòng tránh các vấn đề tâm lý hiệu quả.

 

1. Cuộc sống hiện đại có rất nhiều vấn đề khiến chúng ta phải lo lắng, từ công việc đến chăm sóc con cái, vấn đề tài chính, mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân, sức khỏe của bản thân và các mối quan hệ xã hội. Thế nên, áp lực là một phần tất yếu mà bất cứ ai cũng phải đối mặt.

 

Tôi có một chị bạn tên H ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) nhưng dạy học ở một trường tại xã Đa Lộc (cùng huyện), cách nhà nhiều cây số. Chồng chị, trước đây làm nghề xây dựng nhưng sau đó bị bệnh, sức khỏe yếu nên chỉ làm được các việc nhẹ trong gia đình. Ngày các con còn học tiểu học, cứ vào ngày cuối tuần, chị đều đặn chở hai con vào TP Tuy Hòa để học thêm tiếng Anh. Đến khi con gái lớn lên THCS, chị H quyết định bán nhà ở quê, thuê trọ ở hẳn thành phố và cho con vào học trường dân lập; đồng thời thuê gia sư tiếng Anh về dạy tại nhà.

 

Khi cả gia đình chuyển vào thành phố, hằng ngày chị H vẫn đi xe buýt về quê La Hai, sau đó lên xã Đa Lộc đi dạy và trở về nhà vào lúc tối muộn. Với lịch trình dày đặc, phải di chuyển nhiều nên từ một cô gái có nhan sắc nổi bật thời trẻ, đến nay, chị H trở nên xuề xòa, già nua trong khi những người bạn cùng lứa vẫn trẻ trung. Khi được hỏi lý do vì sao chị lại chú trọng một cách thái quá chuyện học tập của con, mà không chú ý sức khỏe của bản thân, kinh tế của gia đình, chị H cho biết: “Tôi làm mọi thứ chỉ nhằm một mục đích cho con đậu vào các trường đại học top đầu, ra trường có việc làm tốt. Con tôi học rất khá, tiếng Anh cũng tốt nên việc cháu có học bổng, học ở nước ngoài cũng không phải là khó thực hiện. Mà muốn chuẩn bị cho những điều đó thì ngay bây giờ, cháu phải học xuất sắc ở trường. Chính vì vậy, tôi sẵn sàng hy sinh nhiều việc khác để tập trung chuẩn bị tốt nhất cho con”.

 

Chị H cũng cho biết vì mong muốn việc học của con đạt kết quả tốt nhất nên nghe ở đâu nói thầy cô giỏi, trung tâm nào dạy tốt là chị đều đưa con đến học. Có khi cùng một môn học nhưng con chị học kèm nhiều lớp khác nhau để so sánh, lựa chọn. Đến khi nhận thấy lớp học không được như kỳ vọng, chị lại bổ nhào đi tìm lớp khác. Những việc này lặp đi lặp lại khiến chị H căng thẳng. Tuy nhiên, nếu buộc chị phải giảm bớt sự quan tâm thì chị không làm được vì sợ con mình sẽ học hành sa sút, không giữ được phong độ.

 

2. Theo các chuyên gia tâm lý, ở một mức độ nhất định, áp lực cuộc sống cũng phần nào giúp tạo ra ý chí và thúc đẩy con người hoàn thành mọi việc đúng tiến trình. Tuy nhiên, quá nhiều áp lực có thể dẫn đến các triệu chứng thể chất và cảm xúc gọi chung là kiệt sức… Khi đó, người bị nhiều áp lực sẽ đánh mất những cảm xúc tích cực và không còn hứng thú, sáng tạo trong công việc. Thậm chí, một số người phải đối mặt với các vấn đề tâm lý do áp lực dồn nén theo thời gian.

 

Tôi từng gặp nhiều người nhìn bên ngoài rất ổn nhưng bên trong chất chứa nhiều tâm sự. Như một chị bạn tên D của tôi, hai vợ chồng đều là viên chức; con cái ngoan hiền; nhà cửa khang trang. Tuy nhiên, nhiều lần gặp tôi, chị D thường thở dài chia sẻ: “Tôi từng là một người rất hiền hòa, nhưng lấy chồng, sinh con tự nhiên trở nên cáu bẳn và hay mất kiểm soát. Chồng tôi có công việc ổn định nhưng thu nhập không cao nên chỉ đủ trả tiền nhà mua góp hàng tháng. Để gánh vác gia đình, tôi vừa làm việc ở cơ quan, vừa bán đủ mặt hàng online để trả tiền điện, nước; các khóa học thêm, học võ, học bơi, học tiếng Anh của con. Chồng không hiểu những khó khăn của tôi và mặc định đó là trách nhiệm tôi phải thực hiện. Bất mãn nên về sau tôi không còn chia sẻ với chồng. Có một thời gian, việc đầu tiên tôi nghĩ đến mỗi khi thức dậy vào buổi sáng là ly hôn và đưa các con ra khỏi nhà. Rồi nhiều hôm, hết giờ làm, tôi không về thẳng nhà mà cứ muốn chạy xe vòng vòng ngoài đường. Bởi khi bước xuống xe, vào nhà là cơm áo gạo tiền, là gia đình con cái, là áp lực cuộc sống đè nặng”.

 

TS Sarah Brewer, tác giả của hơn 60 quyển sách về sức khỏe và kỹ năng sống nổi tiếng thế giới, từng phụ trách chuyên mục sức khỏe và dinh dưỡng cho một số tờ báo, tạp chí hàng đầu nước Anh, trong cuốn sách “Hiểu và ứng dụng nhanh phương pháp thư giãn - nguồn cảm hứng sống vui khỏe và thanh thản mỗi ngày”, bà viết rằng: “Là một bác sĩ đa khoa, tôi thấy sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng trăm bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì căng thẳng quá mức… Và tôi đã thấy các phương pháp thư giãn khi được áp dụng vào đời sống đã giúp mọi người giảm nhẹ gánh nặng hằng ngày, cũng như sống hạnh phúc và khỏe mạnh hơn như thế nào”. Từ đó, bà khuyên mọi người tìm ra lý do tại sao căng thẳng xuất hiện, sau đó dành thời gian thư giãn, trải nghiệm sự điềm tĩnh trong tâm trí và giải phóng cơ thể khỏi những căng thẳng để trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc. “Hãy cố gắng dành thời gian để thư giãn ít nhất một lần trong ngày. Nếu có thể, bạn nên chọn một khoảng thời gian cố định mỗi ngày, để việc thư giãn trở thành một phần trong thói quen hằng ngày…”, bà viết.

 

Như chị D tôi kể ở trên, sau rất nhiều chán chường, mệt mỏi, chị bắt đầu dành thời gian cho bản thân. Thay vì về đến nhà và tất bật lo mọi việc từ cơm nước, nhà cửa đến con cái thì nay buổi tối, chồng chị sẽ ở nhà cùng con học bài, chơi với con, còn chị D thì cho mình một khoảng thời gian riêng, khi thì tập yoga, khi thì đạp xe dọc biển hay nhâm nhi cà phê cùng những người bạn. “Tôi mở lòng chia sẻ nhiều hơn, cười nhiều hơn, sức khỏe tốt hơn nên dù cuộc sống không thay đổi nhiều nhưng tôi đã giảm bớt căng thẳng. Việc cân bằng cảm xúc cũng giúp tôi nhận ra những khía cạnh tích cực khác của cuộc sống nên mâu thuẫn giữa tôi và chồng cũng giảm đi đáng kể”, chị D trải lòng.

 

Áp lực trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi và nếu vượt qua được, con người sẽ có thêm những bài học quý giá giúp xử lý và vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu không thể tự mình thoát khỏi áp lực, hãy nhờ đến sự tư vấn, giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa tâm lý.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek