Do áp lực trong công việc lại không được quan tâm phát hiện, can thiệp sớm nên số người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí và số trẻ em tự kỷ (TETK) ngày càng tăng.
Với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng TETK, huy động sự chung tay trợ giúp về vật chất, tinh thần cho các đối tượng này, ngày 2/4 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ.
Vượt khó cùng con
Chúng tôi gặp Đỗ Trần Phương Thảo trên đường phố Tuy Hòa khi chị đạp xe đi bán vé số dạo. Chị kể, hàng ngày, từ huyện Phú Hòa, chị chở con xuống Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (phường 7, TP Tuy Hòa) để cho con theo học kỹ năng tại đây. Con chị, cháu P đã 4 tuổi nhưng chưa nói được. Ở nhà chỉ lủi thủi chơi một mình, dù trẻ con trong xóm đông nhưng cháu không giao tiếp với bất kỳ bạn nào. Với mong muốn con mình phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, chị cố chạy chữa nhưng chưa được. Chị Thảo nói: “Khi thấy cháu đã 2 tuổi nhưng vẫn chưa biết kêu ba, má hay có bất cứ biểu hiện nào muốn nói chuyện nên vợ chồng tôi hơi lo lắng. Đưa con đi khám, tôi mới biết con bị tự kỷ. Từ đó, tôi phải tạm dừng công việc đồng áng để đưa con đi chữa trị, cho học chuyên biệt với hy vọng con phát triển bình thường”.
Tương tự, phát hiện con mình mắc chứng tự kỷ (không nói, lúc giao tiếp chỉ lắc lư hai tay liên tục) khi đã hơn 4 tuổi, vợ chồng chị Đinh Thị Kim Loan (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) phải thay đổi công việc để có thời gian theo dõi, đưa con đi điều trị tại nhiều phòng khám trị liệu, bác sĩ tâm lý trong và ngoài tỉnh. Chị Loan cho biết lúc đầu, vợ chồng chị cũng cho con đến lớp học mầm non, rồi lớp 1, lớp 2 bình thường, nhưng cháu không tiếp thu được gì. Vì vậy, vợ chồng chị mới cho con theo học các lớp chuyên biệt. Đến nay, sau một thời gian điều trị, cháu có tiến bộ. Giờ cháu có thể chơi các môn thể thao như bơi lội, bóng bàn và giao tiếp bình thường. “Tôi mong muốn xã hội, cộng đồng tiếp nhận trẻ em mắc hội chứng tự kỷ, không xa lánh để các cháu có thể hòa nhập tốt”, chị Loan bày tỏ.
Những băn khoăn, trăn trở của những phụ huynh như chị Thảo, chị Loan cũng là nỗi niềm của không ít gia đình có người thân không may bị tự kỷ, rối nhiễu tâm trí hay tâm thần.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 2.500 TETK, người tâm thần (NTT), rối nhiễu tâm trí. Hầu hết gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, trong khi các chương trình và chính sách xã hội dành cho các đối tượng này còn hạn chế. Đối với TETK, nếu được thấu hiểu và hỗ trợ, các em sẽ có cơ hội phát triển bản thân, hòa nhập cộng đồng, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Để hỗ trợ TETK, NTT và rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Chương trình nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng để tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng, giúp họ ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là TETK bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với NTT, người rối nhiễu tâm trí.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2025, ít nhất 80% NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục. Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí có CLB thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ của NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí; thu hút ít nhất 20% NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí tham gia văn hóa, văn nghệ và biểu diễn văn nghệ tại cơ sở. 60% đối tượng được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho NTT, cơ sở y tế...
Theo Phòng Bảo trợ (Sở LĐ-TB-XH), qua thống kê sơ bộ, số TETK, người rối nhiễu tâm trí có chiều hướng tăng sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, các mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, gia đình vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai.
Để giúp các đối tượng trong chương trình hòa nhập cộng đồng, ông Đinh Viết Hậu cho biết tỉnh đã đề ra một số giải pháp. Cụ thể là triển khai dịch vụ phát hiện sớm TETK, người rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, tư vấn về phục hồi chức năng đối với người tâm thần, TETK và người rối nhiễu tâm trí. Phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục TETK, người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí phù hợp với nhu cầu đa dạng của TETK và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí. Phát hiện sớm, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt, giáo dục TETK và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí tại cơ sở trợ giúp xã hội, gia đình và cộng đồng, giáo dục từ xa. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, phấn đấu xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với gia đình NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí. Ưu tiên gia đình NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm…
“Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, TETK và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 sẽ tạo cơ hội cho những đối tượng này hòa nhập cộng đồng tốt hơn, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc, chữa trị cho gia đình và xã hội”, ông Hậu chia sẻ.
KIM CHI