Năm 2021, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đó là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của UBND tỉnh, Sở Y tế và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát và lây lan nhanh tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Công tác dân số cũng không ngoại lệ.
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tại cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Nhiệm vụ chính của công tác dân số là tuyên truyền, vận động, tư vấn. Khi dịch bùng phát, Chi cục DS-KHHGĐ đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số, y tế trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo...; tổ chức tuyên truyền, tư vấn nhóm nhỏ, kịp thời đưa chủ trương, chính sách của ngành Dân số đến với người dân. Ngành cũng đã chỉ đạo tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngay tại các trạm y tế. Đây là giải pháp hợp lý trong tình hình dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thực hiện mục tiêu về công tác dân số. Chính vì sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm công tác dân số mà chỉ tiêu về dân số năm 2021 của tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ.
Theo chị Lê Thị Hưởng, cộng tác viên dân số thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa, tình hình dịch bệnh gây khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác dân số. Tuy nhiên, với trách nhiệm và nhiệt huyết, chị vẫn cố gắng để thích ứng linh hoạt với công việc của mình. “Những ngày sau giãn cách, tôi đi từng nhà, vận động chị em tham gia chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), khám SKSS định kỳ để nâng cao chất lượng dân số”, chị Hưởng cho biết.
Còn chị Lê Thị Mỹ Nhân, người được chị Hưởng tuyên truyền, vận động CSSKSS, chia sẻ: “Cuối năm 2021, Trạm Y tế xã An Phú tổ chức các đợt khám thai, CSSKSS cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai, tôi có tham gia chiến dịch này. Tôi thấy cán bộ y tế, cộng tác viên dân số nhiệt tình triển khai công tác CSSK cho người dân nên rất yên tâm”.
Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, trong 11 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 7.062 trẻ được sinh ra, giảm 2.103 trẻ so với cùng kỳ năm 2020. Việc cấp phương tiện tránh thai và thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số; hướng dẫn thực hiện nguồn phương tiện tránh thai và thuốc năm 2021, chỉ tiêu KHHGĐ năm 2021 đạt 100% kế hoạch. Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số tại 31/55 xã đăng ký triển khai chiến dịch trên toàn tỉnh đạt kết quả. Ngành cũng tuyên truyền giáo dục về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh tại cơ sở trên toàn tỉnh.
“Chúng tôi rất vui bởi dù nhân lực của ngành Dân số rất mỏng, đặc biệt năm vừa qua có nhiều thay đổi về đội ngũ cộng tác viên dân số ở các thôn, buôn, khu phố, nhưng công tác tuyên truyền về dân số của Phú Yên vẫn được ngành Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá cao”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương nói.
Hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh
Theo dự đoán của các chuyên gia y tế, năm 2022, COVID-19 có thể không còn là đại dịch, phần lớn do tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng cao và các thuốc kháng virus trở nên phổ biến. Tuy nhiên, COVID-19 có thể vẫn nguy hiểm trong thời kỳ hậu đại dịch, nhất là với sự xuất hiện của những biến chủng mới như IHU, Omicron. Vì vậy, ngành Dân số vẫn đang đối diện với những khó khăn thách thức trong công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dân số.
Theo người đứng đầu Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, trong năm 2022, mục tiêu chính của ngành Dân số là chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và CSSK người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Toàn tỉnh phấn đấu mức giảm tỉ lệ sinh 0,2‰; mức giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên 0,2%; tỉ số giới tính khi sinh ở mức dưới 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái sinh ra còn sống.
Thời gian tới, ngành triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng; ưu tiên các đối tượng khó tiếp cận thông tin và dịch vụ dân số, SKSS. Tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số/SKSS, đặc biệt là chính sách, pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường hỗ trợ cho tuyến xã bằng nhiều hình thức, bao gồm cả đội lưu động, xây dựng hệ thống hỗ trợ chuyển tuyến thích hợp cho từng vùng, từng khu vực. Tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh, tật trước khi sinh và sơ sinh.
“Ngành tích cực rà soát, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, SKSS, đặc biệt là các chính sách tác động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thay thế (2,1 con), CSSKSS đối với thanh niên và người chưa thành niên, bảo vệ và phát triển các dân tộc có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.
Khi dịch bùng phát, Chi cục DS-KHHGĐ tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số, y tế trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo...; tổ chức tuyên truyền, tư vấn nhóm nhỏ, kịp thời đưa chủ trương, chính sách của ngành Dân số đến với người dân. Ngành cũng đã chỉ đạo tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngay tại các trạm y tế. Đây là giải pháp hợp lý trong tình hình dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thực hiện mục tiêu về công tác dân số.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh |
KIM CHI