Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ, thường gọi là “sổ đỏ”) đang là một trong những vấn đề thời sự được người dân quan tâm. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn còn những vướng mắc, chưa đạt kết quả mong muốn. Đây cũng là một nội dung được giám sát tại kỳ họp của các đại biểu HĐND tỉnh trong kỳ họp này. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Kim Phúc chung quanh vấn đề này.
Quản lý biến động đất đai bằng phần mềm tin học - Ảnh: N.T |
* Thưa ông, kết quả cấp GCNQSDĐ ở Phú Yên đến nay thế nào?
- Trong 2 năm gần đây, việc cấp GCNQSDĐ đối với đất sản xuất nông nghiệp tăng 24%, đất lâm nghiệp tăng 10%, đất ở nông thôn tăng 27,3%, đất ở đô thị tăng 41,3%. Tuy nhiên, nhìn chung, việc cấp GCNQSDĐ còn chậm, không đạt tiến độ theo kế hoạch của UBND tỉnh đề ra, nhất là đất nuôi trồng thủy sản, đất chuyên dùng, đất ở. Cụ thể, đất nuôi trồng thủy sản mới cấp đạt 24,81%, đất ở tại nông thôn đạt 56,44%, đất ở tại đô thị đạt 53,75%, đất chuyên dùng mới đạt 32,51%...
* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ ở Phú Yên chậm như vậy?
- Một số văn bản pháp luật ban hành chưa kịp thời, có điểm còn chưa rõ ràng, hoặc văn bản cấp dưới không phù hợp với văn bản cấp trên; phương pháp quy định xác định giá đất nông nghiệp để bồi thường chưa phù hợp với thực tế... khiến cho cấp địa phương thực hiện cứng nhắc, máy móc. Bên cạnh đó, một số văn bản của Chính phủ không có tính nhất quán, thống nhất ở các lĩnh vực có liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sở hữu công trình (sổ hồng) đã gây nên tâm lý không tốt trong nhân dân, ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chính quyền một số địa phương chưa nắm vững công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính chưa được hoàn thiện... cũng làm hạn chế tiến độ cấp giấy.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện mới được thành lập nên còn nhiều bỡ ngỡ trong khâu tổ chức thực hiện. Lực lượng cán bộ chuyên môn thiếu, nghiệp vụ chưa vững, các trang thiết bị thiếu, cơ sở dữ liệu về đất đai chưa đầy đủ. Trong khi đó, cán bộ quản lý về đất đai ở các cấp nhìn chung còn thiếu, trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, một số nơi còn làm sai, đặt ra nhiều thủ tục hoặc suy nghĩ thực hiện “chậm còn hơn sai”; còn người sử dụng đất phải nộp với khoản tiền lớn nên họ không muốn xin cấp GCNQSDĐ.
* Theo kế hoạch, đến cuối năm nay Phú Yên phải hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ. Vậy phải thực hiện những biện pháp gì để thực hiện đạt mục tiêu đó?
- Xây dựng mới, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về đất đai là yêu cầu đầu tiên. Ở cấp Trung ương cần nghiên cứu các chuyên đề cụ thể để tiến tới xây dựng một bộ luật đất đai đầy đủ chi tiết, giải quyết được mọi vấn đề trong lĩnh vực đất đai trước bối cảnh đất nước đang phát triển và xu thế hội nhập quốc tế. Làm rõ mối quan hệ, vị trí của Luật Đất đai với Bộ Luật Dân sự và các luật chuyên ngành khác. Xây dựng Luật Thuế sử dụng đất áp dụng thống nhất đối với việc sử dụng đất; điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng lại Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất cho phù với với Luật Đất đai hiện hành. Cần làm rõ các quy định về cơ chế giao đất không thu tiền đối với các tổ chức, nhất là HTX nông nghiệp hoặc quy định cụ thể việc miễn giảm tiền thuê đất sản xuất nông nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình có sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp; cần ổn định giá đất cho thuê và chỉ thay đổi khi có phát sinh chuyển quyền sử dụng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất- kinh doanh.
Về phía tỉnh, cần hoàn thiện bộ máy quản lý đất đai cấp tỉnh, tăng cường bộ máy phòng Tài nguyên - Môi trường và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Nâng cao trình độ, năng lực và đạo đức của cán bộ, công chức quản lý đất đai, ổn định hệ thống cán bộ địa chính cấp xã, phường. Tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan: Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư... rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản quy định cụ thể về thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; điều chỉnh lại đơn giá thuê đất đối với những trường hợp theo quy định của Nghị định 142/2005/NĐ-CP.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai, phổ biến rộng rãi về vai trò tác dụng của GCNQSDĐ, về trình tự, thủ tục cấp GCN để qua đó vận động người sử dụng đất làm thủ tục cấp GCNQSDĐ.
* Xin cám ơn ông.
NGUYÊN TRƯỜNG (thực hiện)