Nước lũ dâng cao ngập nhà dân. Nhiều địa phương trắng đêm nỗ lực cứu người. Một số nơi khẩn trương thống kê thiệt hại do mưa lũ và tìm cách khắc phục.
Nước ngập lụt, người dân thôn Lạc Nghiệp (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) di chuyển bằng xuồng vào chiều 1/12. Ảnh: NGỌC DUNG |
Đông Hòa, Tuy An nhiều vùng còn chia cắt
Theo Ban chỉ huy Phòng chống tiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TX Đông Hòa, chiều 1/12, trên địa bàn thị xã đã hết mưa, nhưng mực nước các sông xuống rất chậm. Một số tuyến đường vào các khu dân cư vẫn bị ngập nước từ 0,5-1,5m, làm chia cắt 4.325 hộ với 15.379 nhân khẩu thuộc các khu dân cư Tân Đạo (xã Hòa Tân Đông); Thạch Tuân 1, Thạch Tuân 2, Hiệp Đồng (Hòa Xuân Đông); thôn Phước Giang (xã Hòa Tâm); khu phố Nam Bình 1, Nam Bình 2, Thạch Chẩm, Phước Lương, Bàn Nham Bắc, Bàn Nham Nam (phường Hòa Xuân Tây) và các thôn Phước Bình Bắc, Phước Lộc 1, Phước Lộc 2, Lộc Đông (xã Hòa Thành).
Thống kê sơ bộ, TX Đông Hòa có 350 ngôi nhà bị ngập dưới 1m, 120 nhà bị ngập trên 1m; 159ha hoa màu và 1,5ha nuôi tôm bị ngập; 1.500 con vịt bị nước cuốn trôi, 200 con gà chết; còn 27 con bò đang nằm ngoài khu vực sông chưa tổ chức đưa vào bờ được, đã có 9 con chết. Ngoài ra, 1,3km kênh mương bị sạt lở làm cuốn trôi 1.000m3 đất. Nhiều tuyến đường bị sạt lở và ngập sâu, trong đó có cầu Đồng Giữa và Cồn Một (cầu phục vụ nông nghiệp thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung) bị hư hỏng nặng. Toàn thị xã đã cắt điện tại 20/23 trạm biến áp, 4.564 nhà dân bị mất điện.
Lực lượng cứu hộ đưa 3 người dân ở thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành bị mắc kẹt ngoài bãi Soi vào bờ. Ảnh: VÕ PHÊ |
Đến chiều 1/12, UBND TX Đông Hòa cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng đưa 3 người nuôi gia súc ở xã Hòa Thành bị mắc kẹt ngoài khu vực sông Ba vào bờ an toàn. Riêng một người dân xã Hòa Thành bị nước lũ cuốn trôi mất tích, lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương vẫn đang tổ chức tìm kiếm. Ban chỉ huy PCTT và TKCN thị xã liên tục cập nhật và thông báo tình hình xả lũ, mực nước trên các sông đến người dân các địa phương; đồng thời triển khai các phương án sơ tán dân đến khu vực an toàn. Lực lượng công an, quân sự cũng trực tiếp xuống các địa phương bị chia cắt để ứng cứu kịp thời.
Tại huyện Tuy An, ông Huỳnh Văn Khoa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện này cho hay: Đến chiều 1/12, toàn huyện có 4 nhà bị sập hoàn toàn thuộc các xã An Thạch (2 nhà), An Cư (1 nhà), An Định (1 nhà). Toàn huyện Tuy An vẫn còn 497 hộ dân với 1.279 người đang ở trong vùng ngập nước từ 1m trở xuống thuộc các xã An Cư, An Ninh Tây, An Hòa Hải, An Định. Hiện mực nước tại các khu vực hạ thấp nên 252 hộ dân với 669 người sơ tán đã trở về nhà. Hầu hết các tuyến giao thông đã đi lại được, riêng tuyến đường cầu Cây Cam đi An Nghiệp vẫn còn bị chia cắt do ngập lụt và tuyến ĐH32 đoạn qua xã An Lĩnh bị sạt lở đất hai đoạn gây ách tắc. Toàn huyện đã được đóng điện trở lại, có khoảng 405ha lúa và 5ha rau màu bị ngập úng; nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở, bồi lấp.
Tây Hòa khẩn trương giúp dân
Với tinh thần cứu dân là trên hết, trong ngày 30/11 và sáng 1/12, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Công an tỉnh, Cơ sở giáo dục bắt buộc A1, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tây Hòa và các địa phương đã huy động lực lượng, điều động phương tiện ca nô liên tục sơ tán 569 hộ dân với 1.007 nhân khẩu ở các xã Hòa Mỹ Tây, Sơn Thành Đông, thị trấn Phú Thứ, Hòa Phong đến nơi an toàn.
Ông Lê Văn Vĩ, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ nói với giọng khàn đặc: “Lực lượng chức năng thức trắng đêm để di dời 98 hộ với 242 nhân khẩu ở các khu phố Phú Thứ, Mỹ Lệ Tây, Mỹ Lệ Đông, Phước Mỹ Tây. Tuy nhiên trong đêm tối, điện cúp, nước chảy xiết, điện thoại mất liên lạc, có khoảng 10 hộ dân chúng tôi chưa thể tiếp cận. Sáng 1/12, địa phương tiếp tục huy động lực lượng ứng cứu người dân”.
Lực lượng cứu hộ đưa em bé sơ sinh chưa đầy 1 tháng tuổi vượt dòng lũ dữ trong đêm đến nơi an toàn. Nguồn: Công an huyện Tây Hòa |
Trước đó, mưa lớn từ các sông suối thượng nguồn đổ về cộng với nước xả lũ từ các hồ thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ khiến nhiều khu dân cư gần sông Bánh Lái và sông Ba bị ngập sâu. Hầu hết đường sá, làng xóm đều bị nước lũ bao phủ, chia cắt. Có 25 thôn, khu phố ở các xã Hòa Bình 1, Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Phú, Hòa Phong, thị trấn Phú Thứ bị chia cắt với khoảng 15.000 nhà dân bị ngập trong nước lũ, có nơi nước ngập đến mái nhà, 10.000 giếng bị ngập nước.
Huyện Tây Hòa đã khẩn trương thực hiện biện pháp ứng phó, sơ tán dân vùng nguy cơ ngập lụt cao và phát thông báo cảnh báo lũ cho người dân ở các khu vực thấp trũng biết để chủ động ứng phó. Tuy nhiên, nước lũ lên quá nhanh và bất ngờ khiến người dân trở tay không kịp. Theo người dân ở thị trấn Phú Thứ, nước lũ lần này còn cao hơn cơn lũ lịch sử năm 1993.
Trong số những người dân được ứng cứu trong đêm 30/11 đang trú tạm ở Ban CHQS thị trấn Phú Thứ, chị Lê Thị Thanh Hóa ở khu phố Mỹ Lệ Tây, ôm đứa con nhỏ mới 20 ngày tuổi chưa hết bàng hoàng: “Nếu như không có địa phương, lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời, không biết giờ này mẹ con tôi ra sao?”. Chị Hóa vừa mới sinh con nhỏ chưa đầy 1 tháng, chồng lại đi làm xa, hai mẹ con chị sống cùng cha mẹ già. Chiều 30/11, chỉ mới thấy nước ngập mặt đường trước nhà, ba mẹ chị Hóa không nghĩ nước lũ lớn nhanh trong đêm. Đến 10 giờ tối, nước đã ngập đến cửa sổ, chị Hóa và cha mẹ già vô cùng hoảng hốt. May nhờ lực lượng cứu hộ kịp thời đưa cả nhà chị cùng bà con thị trấn Phú Thứ, xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Phong… đến nơi an toàn.
Tại Ban CHQS thị trấn Phú Thứ, chị Trương Thị Ngọc Diệu, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Phú Thứ đã vận động một số cán bộ, hội viên phụ nữ góp tiền nấu cơm cho người dân vùng lũ và lực lượng cứu hộ nơi đây. Nhiều chị em cùng các nhà hảo tâm còn đứng ra kêu gọi hỗ trợ nước uống, nhu yếu phẩm để tiếp tế cho người dân vùng lũ. Chị Diệu nói: “Mình làm được gì thì cố gắng hết sức để cùng với địa phương hỗ trợ bà con trong lúc nguy khó”.
NGỌC DUNG - VÕ PHÊ - TRUNG HIẾU