Chiều 1/12, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh về tình hình thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra, toàn tỉnh có 3 người chết (huyện Sơn Hòa: 2 người; Tây Hòa: 1 người), 6 người mất tích (Đông Hòa: 1 người, Phú Hòa 2 người; TP Tuy Hòa: 2 người) di dời tránh lũ, bị nước lũ cuốn trôi.
Mưa lũ cũng làm 17.800 nhà bị ngập nước dưới 1m, 45 nhà ngập trên 1m, 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn. 469ha lúa vụ mùa bị ngập nước, ngã đổ; 1.373ha hoa màu bị thiệt hại. 327 con gia súc, 13.080 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 18.677m kênh mương bị hư hỏng; sạt lở, bồi lấp đất đá: 5.600m3. 1 tàu cá bị chìm trên biển; 1,5 ha tôm các loại bị vỡ hồ, cuốn trôi.
Tính đến chiều ngày 1/12, các tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị ngập sâu, bị chia cắt tại một số vị trí ngầm, tràn mức ngập phổ biến từ 0,3-0,6m; gây tắt giao thông, sạt lở bồi lấp, sụt lún nền đường, mặt đường, với khối lượng: 11.00m3 đất đá... tại các tuyến ĐT641, ĐT642, ĐT645, ĐT647, ĐT650, TT Chí Thạnh - TT La Hai, Triều Sơn – La Hai.
Lực lượng vũ trang đã triển khai huy động quân số 450 đồng chí, phương tiện 10 ca nô, 10 ô tô và các trang thiết bị tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và sơ tán dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Các địa phương trong tỉnh đã triển khai di dời, sơ tán dân 5.517hộ/18.535 nhân khẩu (trong đó: Sơn Hòa 1.076hộ/3.870 khẩu; Sông Hinh 807hộ/3.207 khẩu; Đồng Xuân 831 hộ/2.353 khẩu; Tuy Hòa 2.126 hộ/7.172 khẩu; Tuy An 252 hộ/669 khẩu; Phú Hòa 376 hộ/1.474 khẩu và Tây Hòa 49 hộ/162 khẩu).
Hiện nay, mực nước các sông xuống chậm, vẫn còn ở mức cao, nhiều vùng bị ngập lụt và chia cắt cục bộ tại các vùng trũng thấp. Lũ trên các sông đang giảm chậm, trung bình trạm Củng Sơn khoảng 37cm/giờ, Phú Lâm khoảng 5cm/giờ (ở mức báo động cấp 3).
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương chủ động tổ chức triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn trên diện rộng và lũ lụt các sông trên địa bàn tỉnh kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.
Các cấp chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên các gia đình có người chết, mất tích, bị thương do lũ lụt gây ra; khẩn trương tập trung triển khai công tác tìm kiếm người mất tích, kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt kịp thời; tuyên truyền quán triệt người dân không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, ngập lụt và thông báo cho nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh kịp thời, hiệu quả; chủ động di dời sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn nhất là đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy đinh tại các khu vực sơ tán tập trung.
Tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, khơi thông dòng chảy ở các vị trí bị tắc nghẽn và kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.
Tổ chức lực lượng để canh gác, kiểm soát chặt chẽ, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ và các khu vực bị sạt lở; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước ngập lũ, vớt củi trên các sông, suối sau lũ lụt.
Chủ động chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du; chủ động di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để có thể ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.
Các cơ quan đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của ngành giao thông, thủy lợi khẩn trương tiến hành sửa chữa, khắc phục những sự cố hư hỏng công trình sau lũ lụt nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến mưa lũ, ngập lụt, thường xuyên liên lạc, khẩn trương báo cáo về UBND tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
THANH LÊ