Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa giám sát việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững (GNBV) tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố.
Báo Phú Yên phỏng vấn Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đặng Thị Hồng Nga về kết quả thực hiện chương trình này.
* Thông qua hoạt động giám sát, bà đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được của Chương trình GNBV tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020?
Bà Đặng Thị Hồng Nga |
- Chương trình GNBV giai đoạn 2016-2020 triển khai trong điều kiện tỉnh ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, giá cả tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra; dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trong nước đã tác động đến hiệu quả của việc thực hiện các chính sách giảm nghèo...
Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng. Các mục tiêu, chỉ tiêu chính của chương trình đã cơ bản đạt và vượt kế hoạch nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh và nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (bình quân mỗi năm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 6,33%, chỉ tiêu đề ra giảm 2%). Kết quả này đã góp phần vào chất lượng tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một số nội dung của chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo. Đời sống của người nghèo, cơ sở hạ tầng huyện nghèo (Dự án 30a), xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được đầu tư tương đối đồng bộ từ giao thông, trường học, trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác; cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển đổi phù hợp, tăng thu nhập cho nhiều gia đình.
* Thưa bà, việc thực hiện chương trình này còn những hạn chế, bất cập, vướng mắc nào?
- Các chính sách giảm nghèo hiện hành cơ bản đã toàn diện, tác động đa chiều đến sản xuất và đời sống của người nghèo nhưng còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, chưa phù hợp với từng vùng, miền. Nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo. Sự phối hợp của các sở, ban ngành và một số ban chỉ đạo cấp huyện, xã trong công tác thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa được quan tâm đúng mức.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát công tác giảm nghèo bền vững tại huyện Sông Hinh. Ảnh: THÙY THẢO |
Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm còn nhiều bất cập. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, cán bộ làm nhiệm vụ giảm nghèo còn hạn chế, không nắm đầy đủ các nội dung của chương trình; một số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng; một số nơi người dân không muốn thoát khỏi diện hộ nghèo...
* Vậy, Ban Văn hóa - Xã hội có những đề xuất, kiến nghị gì để chương trình đạt hiệu quả trong giai đoạn mới?
- Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan rà soát một cách tổng thể các chương trình, dự án, cơ chế chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo; chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương khắc phục, giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình của Tỉnh ủy về chương trình giảm nghèo ở địa phương, về mục tiêu GNBV, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền rộng rãi. Bám sát chương trình giảm nghèo của Trung ương, nghị quyết của Tỉnh ủy, các kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ cần có tiêu chí cụ thể xác định hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, đưa nhóm này ra khỏi đối tượng thực hiện chính sách giảm nghèo và nâng mức hỗ trợ cao hơn để họ đảm bảo được cuộc sống, vì nhóm này không còn khả năng thoát nghèo. |
Hàng năm, ưu tiên bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn. Nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn trong thực hiện việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tăng cường lồng ghép các nguồn vốn khác.
Chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB-XH nghiên cứu, áp dụng đẩy mạnh mô hình liên kết hộ trong việc thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Các mô hình phải được xây dựng từ đề xuất của người dân, gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm; giao cho người dân thực hiện và nhân rộng. Thường xuyên hướng dẫn người dân áp dụng kiến thức, kỹ thuật sản xuất; mở các lớp hướng dẫn, bồi dưỡng, cập nhật thông tin pháp luật về chính sách giảm nghèo cho cán bộ chuyên trách cấp cơ sở. Quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức cho người nghèo…
Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các bộ, ngành trung ương nghiên cứu để giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, có cơ chế khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đề nghị xem xét, tích hợp các dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ vào các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện tập trung, tránh sự chồng chéo, đầu tư dàn trải kém hiệu quả. Quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Chính phủ cần có tiêu chí cụ thể xác định hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, đưa nhóm này ra khỏi đối tượng thực hiện chính sách giảm nghèo và nâng mức hỗ trợ cao hơn để họ đảm bảo được cuộc sống, vì nhóm này không còn khả năng thoát nghèo.
Đồng thời quan tâm mở rộng đối tượng được vay vốn tín dụng đối với các chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay sản xuất, phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi đối với các hộ có mức sống trung bình được vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng mức cho vay xây dựng nhà ở đối với hộ khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội lên khoảng 40-50 triệu đồng/hộ (hiện nay là 25 triệu đồng/hộ) để các đối tượng này có đủ điều kiện xây nhà có diện tích tối thiểu 24m2 và tiêu chí “3 cứng”; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025…
* Xin cảm ơn bà!
THÙY THẢO (thực hiện)