Sở Xây dựng Phú Yên đang tiến hành lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Tuy Hòa và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040. Đây là định hướng để TP Tuy Hòa phát triển lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Yên.
Thời gian và dấu ấn đô thị
Quá khứ hình thành và phát triển của đô thị Tuy Hòa qua 4 giai đoạn: Giai đoạn đầu trước năm 1945 nơi đây là phủ lỵ Tuy Hòa, có một số làng như: Phú Câu, Phước Hậu, Bảo Tháp... Viễn cảnh đô thị gần như chưa có gì, chỉ là vùng nông thôn trù phú.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến tháng 3/1946, tỉnh lỵ Phú Yên từ Sông Cầu dời về phủ lỵ Tuy Hòa. Lúc này cả phủ Tuy Hòa khá hơn xưa nhờ có đập Đồng Cam, quốc lộ 1, quốc lộ 25 và Ga Tuy Hòa... Ở nông thôn ruộng đồng làm được 2 vụ lúa cho năng suất cao, ở phủ lỵ có nhiều hiệu buôn lớn, nghề tiểu thủ công bắt đầu phát triển.
Không lâu sau chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, các cơ quan của tỉnh Phú Yên dời về các xã An Nghiệp, An Định (huyện Tuy An), xã Xuân Sơn (huyện Đồng Xuân), người dân ở phủ lỵ sơ tán về thôn quê; phủ lỵ trở nên nhà không, vườn trống. Mãi đến tháng 7/1954, khi Hiệp định Geneve được ký kết, tỉnh lỵ Phú Yên chính thức được đặt tại phủ lỵ Tuy Hòa và gọi là xã Châu Thành. Xã này có 6 ấp như: Bình Nhạn, Bình Hòa, Bình Mỹ, Phú Câu… Đến năm 1971-1972, xã Châu Thành được quy hoạch chi tiết lần hai và đổi tên là xã Tuy Hòa.
Trong giai đoạn này, đô thị được quy hoạch chi tiết hai lần với quy mô không lớn, nội dung đồ án khá tốt; phân khu rõ ràng, khu nhà ở lô phố, khu biệt thự công chức, khu công trình công cộng, khu đất bất kiến tạo... Hệ thống giao thông theo dạng ô bàn cờ; các đường phố chính như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ có lộ giới rộng và hướng biển.
Đặc trưng của TP Tuy Hòa là có sông biển, có núi rừng, có cánh đồng lúa Tuy Hòa bao la, có ruộng vườn ngay trong lòng đô thị. Tuy Hòa còn có nguồn nước ngọt vô tận do sông Ba và đập Đồng Cam cung cấp, đây được coi là những công viên khổng lồ để xây dựng một đô thị có môi trường sống tốt. |
Trong đồ án xác định vị trí xây dựng các công trình chính của đô thị như: Nhà thờ, chợ, bến xe, bưu điện, tỉnh đường, sân vận động; đặc biệt là ban hành quy tắc quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị. Có thể nói, đây là đồ án khởi đầu để xây dựng hạ tầng giao thông, các công trình công cộng, nhất là nhà ở đô thị, là bước đầu xây dựng đô thị Tuy Hòa có đặc thù riêng.
Sau giải phóng miền Nam năm 1975, xã Châu Thành đổi là TX Tuy Hòa, có một năm thị xã là tỉnh lỵ Phú Yên. Đến năm 1976, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh, TX Tuy Hòa không còn giữ vai trò là tỉnh lỵ. Tuy Hòa lúc này ít được đầu tư về nhiều mặt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nên đô thị phát triển rất chậm. Có thời gian ngắn, TX Tuy Hòa lại nhập vào huyện Tuy Hòa, sau đó tách ra lần một, thị xã rộng lên tận xã Hòa Hội; rồi tách lần hai còn 6 phường nội thị và 3 xã ngoại thị.
Giai đoạn này, Ty Xây dựng tỉnh Phú Khánh có quy hoạch chi tiết khu sân bay Chóp Chài để xây dựng Bến xe liên tỉnh, Trường trung cấp địa chất... Trong thời gian khá dài, thị xã chỉ đầu tư xây dựng được một số ít công trình như cầu Minh Đức, cầu Trần Hưng Đạo, trụ sở UBND thị xã, Thị đội Tuy Hòa…
Đến tháng 7/1989 tỉnh Phú Yên được tái lập, TX Tuy Hòa trở lại là tỉnh lỵ Phú Yên, đô thị phát triển khá nhanh từ thị xã chỉ có 6 phường 3 xã, nay thành phố có 12 phường và 4 xã; từ đô thị loại IV nay là đô thị loại II. Trong giai đoạn này có 3 lần điều chỉnh quy hoạch, lần thứ ba thuê tư vấn nước ngoài lập. Bộ mặt đô thị không ngừng được đổi mới từ cơ sở hạ tầng đến các khu dân cư, các công trình công cộng.
Vóc dáng đô thị mở rộng, phát triển theo hướng bắc - nam với hai trục chính là đại lộ Nguyễn Tất Thành và đại lộ Hùng Vương, đô thị hướng biển, phát triển hai bên sông. Hiện nay, Tuy Hòa giao thông đối ngoại có đường bộ, đường sắt, đường hàng không, có 5 cây cầu dài, rộng, đẹp lung linh bắc qua dòng sông Ba.
Tầm nhìn tương lai
Đặc trưng của TP Tuy Hòa là có sông biển, có núi rừng, có cánh đồng lúa Tuy Hòa bao la, có ruộng vườn ngay trong lòng đô thị. Tuy Hòa còn có nguồn nước ngọt dồi dào do sông Ba và đập Đồng Cam cung cấp, đây được coi là những công viên khổng lồ để xây dựng một đô thị có môi trường sống tốt.
Công viên Thanh thiếu niên TP Tuy Hòa - một trong những công trình tạo điểm nhấn đô thị. Ảnh: MINH NGUYỆT |
Đô thị Tuy Hòa đã trải qua 5 lần quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, nay là lần thứ sáu. Theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, dân cư hiện hơn 16 vạn người, đất đai 11.060ha; vùng phụ cận dự kiến nhập vào thành phố lần này gồm có xã An Chấn, xã An Mỹ (huyện Tuy An); xã Hòa Thành (TX Đông Hòa); xã Hòa An và một phần xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) với đất đai tăng lên là 15.536ha, dân số là 22 vạn người; dự kiến quy hoạch đến năm 2030 dân số hơn 26 vạn và năm 2040 là 30 vạn người.
Tầm nhìn về quy hoạch là xây dựng một đô thị du lịch biển liên châu lục thông qua sân bay Tuy Hòa, là cửa ngõ của Tây Nguyên, có mối lưu thông hàng hóa, đào tạo nhân lực, nơi trung chuyển thiết yếu cho hoạt động kinh tế và dân cư qua hệ thống đường bộ, đường sắt Bắc - Nam; với khu vực công nghiệp, công nghệ cao, thuận lợi cho phát triển kinh tế mang tính quốc tế. Xây dựng thành phố hiện đại, hội nhập, thông minh, có nền văn hóa và thể thao vững mạnh, hướng đến phát triển bền vững về môi trường.
Với chức năng là đô thị tỉnh lỵ, Tuy Hòa là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại dịch vụ, khoa học - kỹ thuật của tỉnh; là đô thị hạt nhân, trung tâm động lực tổng hợp của cả tỉnh; là đầu mối trung chuyển hàng hóa, công nghiệp, công nghệ cao của vùng. Bên cạnh đó, Tuy Hòa còn là một trong những trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm du lịch, giáo dục đào tạo của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tầm nhìn về quy hoạch là xây dựng một đô thị du lịch biển liên châu lục thông qua sân bay Tuy Hòa, là cửa ngõ của Tây Nguyên, có mối lưu thông hàng hóa, đào tạo nhân lực, nơi trung chuyển thiết yếu cho hoạt động kinh tế và dân cư qua hệ thống đường bộ, đường sắt bắc - nam; với khu vực công nghiệp, công nghệ cao, thuận lợi cho phát triển kinh tế mang tính quốc tế. Xây dựng thành phố hiện đại, hội nhập, thông minh, có nền văn hóa và thể thao vững mạnh, hướng đến phát triển bền vững về môi trường. |
Ngoài ra, Tuy Hòa cũng là đầu mối giao thông quan trọng của vùng, cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên, Nam Lào, đông bắc Campuchia ra biển Đông. Đô thị Tuy Hòa có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Về giao thông đối ngoại, ngoài đầu tư nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 25, ga đường sắt, ga hàng không Tuy Hòa thì trong tương lai, đô thị Tuy Hòa còn có đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc - Nam chạy qua, như vậy đô thị này có đến 7 cây cầu bắc qua sông Đà Rằng. Những đường phố chính theo hướng tây - đông đều giáp với biển. Ngoài chức năng về giao thông, những con đường còn là hành lang đưa gió và nắng biển tràn sâu vào trong lòng thành phố. Một đô thị phát triển đa cực, đa trung tâm, đô thị biển.
Những dự án lớn dự kiến sắp tới là: Xây dựng mới Trung tâm Hành chính tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 400 giường, Nhà hát Sông Ba và Trung tâm triển lãm, Khu liên hợp thể dục thể thao, chỉnh trang khu dân cư trung tâm để đường thông hè thoáng, trước khi thành phố lên đô thị loại I…
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG