Quyền trẻ em được hiểu là những quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em, phân chia thành 4 nhóm: quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ em được hưởng những quyền khác nhau.
Hiện nay, quyền được phát triển là một trong những nhóm quyền được các cấp, ngành, gia đình, xã hội quan tâm, tạo điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất cả về tinh thần và đạo đức, trong đó bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai một số giải pháp nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, đặc biệt là triển khai các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em. Các chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em đều được hoàn thiện và thực thi theo đúng pháp luật, nhất là các chính sách trợ giúp nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Trẻ em cũng được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, các diễn đàn trẻ em...
Em Phạm Bích Dân, học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Thời gian qua, thông qua nhiều hoạt động do đoàn, hội tổ chức, chúng em có cơ hội tham gia vào các vấn đề của trẻ em. Qua đó bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng của mình trong một số vấn đề, giúp chúng em tự tin hơn và có thêm vốn hiểu biết. Em mong muốn có nhiều hơn nữa những diễn đàn để trẻ em được lên tiếng về vấn đề mình quan tâm, đồng thời tạo môi trường lành mạnh, an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện. Chúng em cũng mong cha mẹ dành thời gian để quan tâm, chăm sóc, trò chuyện và kiên nhẫn lắng nghe để thấu hiểu con em mình hơn”.
Tiếp tục triển khai các nhóm quyền trẻ em, thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển các mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có sự lồng ghép, phối hợp, chuyển tuyến liên ngành, liên cấp theo hình thức dịch vụ một cửa và các gói dịch vụ tiếp cận trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em.
“Phú Yên phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em đạt 40%; 30% trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp; 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em...”, ông Lê Trung Kiên cho biết thêm.
HOÀNG LÊ