Thứ Sáu, 29/11/2024 11:56 SA
Trở về quê, gian nan tìm việc làm
Thứ Tư, 17/11/2021 13:23 CH

Qua khảo sát của Sở LĐ-TB-XH, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh đã ổn định sản xuất, không thiếu hụt lao động. Ảnh: KIM CHI

Để giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) nói chung và NLĐ từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch nói riêng, Sở LĐ-TB-XH cùng các đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp để giúp NLĐ có việc làm.

 

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, toàn tỉnh có 41.800 lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch. Hiện tại, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, khống chế, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Song, tìm được việc làm, nhất là việc làm phù hợp và có thu nhập ổn định sau khi hết thời gian cách ly phòng dịch là nỗi trăn trở, băn khoăn, suy tư của không ít NLĐ sau khi đã trở về địa phương vì đại dịch.

 

46% lao động muốn tìm việc làm tại địa phương

  

Theo khảo sát của Sở LĐ-TB-XH về nhu cầu lao động từ 1.000 người được chọn ngẫu nhiên trong số 41.800 lao động trở về địa phương từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, nhóm lao động muốn ở lại địa phương làm việc chiếm 46%.

 

Chị Trần Mỹ Thy ở phường 4 (TP Tuy Hòa) đã có công việc tạm ổn tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát, cửa hàng nơi chị làm việc phải đóng cửa để phòng chống dịch. Khi tỉnh tổ chức các đợt đón công dân Phú Yên về quê, chị đăng ký trở về. Chị Thy nói: “Dù công việc trong miền Nam có thu nhập ổn định nhưng dịch bệnh phức tạp, nên về quê tránh dịch là lựa chọn tốt nhất lúc bấy giờ. Hiện nay, cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng chưa thật sự ổn định, tôi muốn tìm việc làm phù hợp tại quê nhà rồi sang năm tính tiếp”.

 

Anh Nguyễn Văn Trí ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), từ TP Hồ Chí Minh về quê tránh dịch cách đây 3 tháng. Khi hết thời gian cách ly y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định, anh Trí phụ giúp gia đình làm những công việc như trồng rau, nuôi gà, cắt cỏ cho bò... Để có nguồn vốn đầu tư chăn nuôi, gia đình anh đã được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn tạo việc làm. “Trong tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại như thế này, tìm được một công việc với mức thu nhập tương đối quả là rất khó. Thay vì chờ đợi hết dịch để quay vào Nam tìm việc, tôi chủ động cùng gia đình mua thêm một con bò để nuôi vỗ béo. Cỏ cho bò đã sẵn có ngoài đồng ruộng nên chỉ cần thêm công chăm sóc. Khoảng 2 tháng nữa, bán được bò, gia đình cũng có thêm thu nhập trang trải vào dịp Tết Nguyên đán. Nếu dịch vẫn phức tạp thì mình cũng phải tính đến phương án bám trụ lại quê”, anh Trí tâm sự.

 

Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Khảo sát sơ bộ toàn tỉnh về nhu cầu giải quyết việc làm và học nghề để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp cho thấy, hiện nay lao động có nhu cầu tìm việc làm là 66.382 người. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng lao động từ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) trong các khu công nghiệp là 494 người và các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp 1.709 lao động. Như vậy, Phú Yên thừa nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD. Đối với nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất thì hiện nay, qua khảo sát, 100% doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh đã ổn định sản xuất, không thiếu hụt lao động.

 

Hỗ trợ NLĐ tìm việc làm

 

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với NLĐ, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động SXKD, phát triển của doanh nghiệp, Sở LĐ-TB-XH đã ban hành nhiều văn bản quán triệt các doanh nghiệp, cơ sở SXKD thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc theo chỉ đạo của các cấp và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

 

“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở SXKD đã cố gắng thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường 2 điểm đến” vừa phòng chống dịch, vừa tập trung cho hoạt động SXKD và tìm kiếm thị trường. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cơ bản vẫn đảm bảo và duy trì đủ lực lượng lao động. Nhiều công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động”, ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB-XH cho biết.

 

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ An, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú Phú Yên, sau khi dịch COVID-19 được khống chế, các nhà máy may mặc, sản xuất nước khoáng đóng chai của công ty này đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Hơn 2.300 công nhân được đảm bảo việc làm với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người và đầy đủ các chế độ theo Bộ luật Lao động. “Nhu cầu lao động của công ty hiện nay rất lớn, nhất là công nhân lành nghề. Từ nay đến cuối năm 2021, doanh nghiệp cần tuyển dụng bổ sung từ 300-500 công nhân lành nghề để lấp đầy các chuyền may. Công nhân có tay nghề cao ngoài việc được hưởng lương (theo khu vực) còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nếu hoàn thành tốt công việc”, bà An cho hay.

 

Tuy nhiên, báo cáo với đoàn giám sát của Bộ LĐ-TB-XH về thực trạng lao động mới đây, theo đánh giá của tỉnh, hiện Phú Yên đang thừa lao động (nguồn lao động tự do từ các tỉnh phía Nam về), gây áp lực cho địa phương trong giải quyết việc làm tại chỗ cho NLĐ. Hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ăn uống, thực phẩm, du lịch, thương mại cung ứng hàng hóa… phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng chống dịch bệnh của mỗi địa phương; vào độ bao phủ vắc xin và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn hoạt động của cơ sở nên đã làm hạn chế nhu cầu lao động.

 

“Trước mắt, tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng kế hoạch tổ chức thị trường lao động để phục hồi, phát triển sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và giai đoạn 2022-2025 của tỉnh; về chính sách pháp luật lao động, việc làm. Khuyến khích, vận động NLĐ và người sử dụng lao động thực hiện tốt pháp luật về lao động, quan hệ lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Tổ chức sàn/phiên giao dịch việc làm để NLĐ và người sử dụng lao động thường xuyên tiếp cận với dịch vụ việc làm thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm”, ông Đinh Khắc Đô cho biết và nhấn mạnh, tất cả thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp được đăng ký vào đúng ngày mở sàn để tuyển dụng. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; phân tích và dự báo thị trường lao động. Thực hiện hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp và biến động lao động theo ngành nghề, trình độ chuyên môn, địa bàn, làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cung, cầu lao động. Hỗ trợ NLĐ cần tìm việc làm và người sử dụng lao động gửi thông tin đến hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh, để thông báo theo chuyên mục “người tìm việc” và “việc tìm người”. 

 

Thực tế hiện nay, các công ty, khu công nghiệp tại một số tỉnh, thành phía Nam đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để bù đắp số lao động trở về địa phương trong đợt dịch bùng phát vừa qua. Do đó, lao động có nhu cầu trở lại miền Nam làm việc cũng là hợp lý trong việc cân đối nguồn lao động giữa các địa phương. Tỉnh sẽ hỗ trợ và kết nối thông tin về nhu cầu tìm việc làm của NLĐ Phú Yên với nhu cầu sử dụng, tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh/thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và miền Trung.

 

Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB-XH Đinh Khắc Đô

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek